thutuong1

Năm 2023 là một năm bản lề khi là năm thứ 3 triển khai giai đoạn 2 của con đường huyết mạch cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Việc tổ chức Lễ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tất cả đều đang nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công một trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Có lẽ vì thế mà nhiều điểm trên các công trường ở nhiều hợp phần khác nhau, các doanh nghiệp, nhà thầu vẫn động viên công nhân, người lao động thi công xuyên Tết. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán không khí khẩn trương lại càng tấp nập hơn khi sáng 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1, qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, thăm hỏi, động viên, chúc mừng các cán bộ, công nhân viên và bà con nhân dân khu tái định cư.

Tiếp đó, Thủ tướng đã di chuyển đến kiểm tra tại các dự án thành phần tuyến Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt và giai đoạn 2 (Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ), thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam.

Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi cần đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, quá trình thi công phải bảo đảm an toàn, tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, không đội giá, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đây không phải là chỉ đạo lần 1 của Thủ tướng liên quan đến dự án trọng điểm Quốc gia này, mà đã rất nhiều chỉ đạo liên quan, cùng với sự đốc thúc từ các Phó Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng quán triệt 3 vấn đề lớn: “Bảo đảm chất lượng, tiến độ và chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực. Ba mục tiêu này phải song hành với nhau…. Nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì kiên quyết thay thế. Các Ban quản lý dự án nếu không đề xuất giải pháp để bù tiến độ, hoàn thành mục tiêu đề ra, phải chịu trách nhiệm”.

Tính riêng lĩnh vực kinh tế thôi, tuyến cao tốc có sự “kích thích” tăng trưởng cực kỳ lớn. Minh chứng,  ở nước ta, các tỉnh, thành phố có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương. Theo thống kê, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%… trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn yếu và nó là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chi phí logistic của Việt Nam chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước phát triển, và cao hơn mức bình quân toàn thế giới. Đó là một chi phí quá lớn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thì việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, với xương sống là đường cao tốc Bắc – Nam, là một mũi đột phá quan trọng, cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực nguồn lực Quốc gia.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa của nhiều nước trên thế giới. Các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Hàn Quốc… đều có hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Trong đó, Hoa Kỳ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, Đức hơn 13.000km, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc…

Do vậy, việc hoàn thiện cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ kết nối Trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và Trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, Miền Trung, phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách…

Cao tốc Bắc – Nam cũng sẽ đáp ứng được lưu lượng vận tải hàng hóa ngày càng tăng. Giải quyết các hạn chế mà các tuyến quốc lộ khác còn gặp phải như Quốc lộ 1A, quốc lộ 45… Làm giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển. Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Không chỉ vậy, trục đường phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau có ý nghĩa nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng – an ninh, góp phần gắn kết các địa phương, thu hẹp khoảng cách vùng miền, lan tỏa về kinh tế – xã hội.

Chính vì vậy, thêm một lần nữa Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tránh hiện tượng tham nhũng tiêu cực trong thi công đủ thấy tầm quan trọng của dự án. Một khi chống tham nhũng tốt thì sẽ đẩy chất lượng và tiến độ công trình. Tiến độ mà ỳ ra thì lấy đâu chất lượng công trình tốt. Mà càng chậm thì càng tiêu cực, chất lượng càng kém.