Chuyển tới nội dung

Đẩy mạnh mục tiêu giúp phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ kinh tế

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là động lực quan trọng đối với quá trình phát triển của một quốc gia. Đây cũng là con đường để phụ nữ hiện thực hóa khát vọng, hoài bão dấn thân khởi nghiệp, lập nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đó phụ nữ chiếm 50% dân số.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành các đề án dành riêng cho phụ nữ, giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện. Nổi bật là 2 đề án của Chính phủ: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và đề án hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh cùng Đoàn đại biểu Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam

Từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo đã giúp phụ nữ nói chung và đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xu thế hội nhập và phát triển.

Nhân dịp kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, nhiều hoạt động, mô hình được triển khai đã góp phần vào mục tiêu giúp phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ kinh tế.

“Để hỗ trợ phụ nữ trau dồi kiến thức, kỹ năng, các cấp Hội đã tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực. Đặc biệt là tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, tham gia vào chương trình xây dựng đề án do Hội chủ trì như: Đề án “hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và đề án hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030. Thông qua những hoạt động đó, các chị em sẽ tự tìm hiểu, trau dồi kiến thức và kỹ năng cho mình để đáp ứng được với yêu cầu của thời kỳ hiện nay”, bà Hiền nhấn mạnh.

Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng chia sẻ, tính đến thời điểm này, 100% các cấp Hội địa phương cũng như các đơn vị trực thuộc đã hoàn thành việc ban hành kế hoạch. Trong đó, nhiều địa phương đã cụ thể hóa các tiêu chí này một cách rất phong phú.

“Hội Liên hiệp Phụ nữ Thanh Hóa là một ví dụ đã cụ thể hóa tiêu chí của người phụ nữ đó là xây dựng người phụ nữ thời đại mới, yêu nước, nhân ái, tự lực tự cường, khát vọng vươn lên. Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Nam thì xây dựng người phụ nữ trung hậu, đảm đang, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên cống hiến cho tổ quốc, cho quê hương”, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho hay.

Bên cạnh thuận lợi, cơ hội thì vấn đề xây dựng người phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp hiện nay cũng đang gặp khó khăn, thách thức, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều vấn đề, yêu cầu mới được đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển con người nói chung, phụ nữ nói riêng, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và công nghệ số tiến triển mạnh mẽ đang tác động đến đời sống của phụ nữ.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, phụ nữ ở những vùng sâu, vùng xa hay đồng bào dân tộc thiểu số còn đang gặp rất nhiều thiệt thòi. Để thay đổi được thực trạng đó, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng, hướng đến mục tiêu tốt đẹp hơn cho phụ nữ mọi miền đất nước, chúng ta cần quan tâm đến 2 nhóm giải pháp trước mắt và về lâu dài.

“Cho đến hiện tại Đảng và Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp tích cực, như: ưu tiên giáo dục, hỗ trợ tiếp cận tín dụng cũng như dịch vụ xã hội. Trước mắt, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt những chính sách hiện đã ban hành”.

Ví vụ như để gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính, đặc biệt là làm lãnh đạo, quản lý, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương ban hành từ năm 2007 kỳ vọng đến 2020 sẽ đạt tối thiểu 25% thành viên cấp ủy là phụ nữ nhưng đến hiện tại 2023 vẫn chưa đạt được.

“Về lâu dài để có thể giảm thiểu sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, thứ nhất phải phát triển bản thân con người giúp họ trở thành những người độc lập, tự chủ vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, TS Nguyễn Văn Đáng nhận định.

Cũng đề cập đến những khó khăn còn tồn tại đồng thời đề ra cách khắc phục, bà Hiền cũng cho biết thêm: Năm 2023 đã chứng kiến sự khó khăn từ phía các doanh nghiệp, phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động mà đặc biệt là lao động nữ, tất yếu dẫn đến giảm thu nhập. Trong bối cảnh này, Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường nắm rõ tình hình đồng thời báo cáo để có được những số liệu nghiên cứu cũng như phục vụ công tác đề xuất chính sách.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng chỉ đạo các cấp hội tăng cường các hoạt động phối hợp để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho chị em. Đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Ngoài ra, cũng tăng cường hợp tác với các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách để có thể giải ngân, cho chị em vay vốn khởi nghiệp, tạo nguồn thu nhập.

Qua các phong trào thi đua và hoạt động xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, thực tiễn đã có nhiều tấm gương xuất sắc trên mọi lĩnh vực. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất.

Anh Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved