Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Đây cũng được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất, phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI.
Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ điện tử đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2021 và 2022 (371,85 tỷ USD). Năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu tới 11,5 tỷ USD. Năm 2022 khi Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD thì công nghiệp điện tử xuất siêu 11,24 tỷ USD. Điều này chứng tỏ sự đóng góp to lớn của ngành trong đảm bảo cán cân ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước.
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn, nhân lực hạn chế. Khu vực doanh nghiệp có vốn dưới 1 triệu USD – 5 triệu USD chiếm 21-26%. Đến cuối năm 2022, có trên 200 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp lớp 1,2,3 cho Samsung, trong có 52 doanh nghiệp lớp 1. Tương tự, LG Việt Nam, Canon Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng là các doanh nghiệp Việt Nam khá đông đảo. Canon hiện đã có 176 doanh nghiệp địa phương là nhà cung cấp cho họ.
Song theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, công nghiệp hỗ trợ điện tử đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Chính sách không theo kịp sự thay đổi. Cụ thể, việc thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng ở trạng thái bình thường mới đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc.
Nguy cơ tụt hậu xa hơn do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh, buộc doanh nghiệp phải phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, lao động giá rẻ và sự sẵn có của tài nguyên thiên nhiên không còn là lợi thế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử thiếu nguồn lực lao động có kỹ năng, tài chính và công nghệ để tiếp nhận giá trị công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI. Rủi ro chuyển giao công nghệ vào Việt Nam thấp và trung bình.
Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiếu bền vững sẽ tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam…
Để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất là phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Cụ thể, các doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp… Song song đó là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, cần có thêm cơ chế cho những doanh nghiệp đầu tàu. Đến giai đoạn này, chúng ta đã manh nha những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Đây sẽ là động lực dẫn dắt ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trong tương lai.
“Hiện, Bộ Công thương đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền bắc, miền trung và miền nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hoài cho biết.
Theo các chuyên gia, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ. Để làm được điều này, chính sách phát triển công nghiệp cần tập trung vào những ngành và lĩnh vực nền tảng, ưu tiên. Trong đó, cần xây dựng những khu, cụm công nghiệp liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng các chuỗi sản xuất.
Còn theo nhận định của Tổng cục Thống kê, để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại. Cùng với đó là việc rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các FTA mới được ký kết. Cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới. Tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu.
Cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình chính kinh tế, chính trị trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tú Anh