Có lẽ mọi người đều có cảm nhận năm 2019 gần như không có kênh đầu tư nào thực sự hấp dẫn. Bởi vậy, chọn kênh đầu tư nào hứa hẹn sinh lời cao đang là trăn trở của không ít người lúc này.
Ngoài các kênh đầu tư thụ động, như vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm, các nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào các kênh bất động sản (BĐS), chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoại tệ kém hấp dẫn
Tính đến tháng 12/2019, những ai nắm giữ USD đang thua lỗ với chênh lệch tỷ giá VND/USD giảm 0,06% so với đầu năm nay. Tỷ giá vẫn ở mức ổn định trong 2 tháng cuối năm do chính sách cung tiền thận trọng và tăng trưởng tín dụng thấp.
USD Index trong tháng 12 tuy có giảm nhe, nhưng vẫn ở mức cao 97 điểm, tăng khoảng 1,9% so với đầu năm nay.
Dự đoán trong năm 2020 kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng, tạo động lực cho đồng bạc xanh. Tuy nhiên, theo Bloomberg, lãi suất âm có thể trở thành hiệu ứng lây lan toàn cầu vào năm 2020. Điều này khiến FED khó tăng lãi suất, sẽ làm đồng USD không tăng giá quá mạnh gây sức ép lên tỷ giá USD/VND. Bên cạnh đó, với CPI vẫn được kiểm soát tốt trong năm 2020 và dự báo cán cân thanh toán Việt Nam sẽ tiếp tục dương (2019 là 9,1 tỷ USD), sẽ giúp tỷ giá ổn định và khó tăng quá 3%.
Theo đó, nắm giữ ngoại tệ vì mục đích lợi nhuận rõ ràng không được ưu tiên, trừ những nhà đầu tư muốn đa dạng danh mục tài sản và tăng tính an toàn.
Vàng không “lấp lánh”
Trong những tháng đầu năm 2020, giá vàng trong nước sẽ khó tăng bởi tác động từ yếu tố giá vàng thế giới và tình kinh tế, tài chính Việt Nam.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, vàng được xem là kênh đầu tư có mức tăng cao nhất so với các kênh an toàn với tăng trưởng 12,8% (tính trên vàng SJC), cao hơn lãi suất tiết kiệm ở khoảng 7 – 8% và tỷ giá USD/VND giảm 0,2%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự chú ý đến kênh vàng sau nhiều năm không hấp dẫn.
Có thể thấy hầu như các tác động giúp giá vàng tăng mạnh trong thời gian vừa qua đã phản ảnh gần hết trong giá vàng hiện nay, bao gồm: nỗi lo bất ổn kinh tế thế giới, bất ổn địa chính trị vùng Trung Đông, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Ngoài ra quan sát giá vàng trong năm 2019 và trong 5 năm gần đây, thì mức 1.460 USD/ oz hiện nay là mức cao, như vậy giá vàng cũng khó tăng mạnh.
Giá vàng trong nước chịu sự tác động mạnh nhất từ giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND. Với nhận định tỷ giá sẽ ổn định trong năm 2020, sẽ khiến giá vàng trong nước khó vượt qua mức cao kỷ lục của năm 2019, mà nhiều khả năng trở lại mức của các năm 2018, 2017, tức là chỉ dao động tăng/giảm 1- 2%.
Rủi ro đầu tư trái phiếu
Ngoài 2 kênh đầu tư nói trên, các nhà đầu tư cá nhân còn được các nhân viên ngân hàng và môi giới chứng khoán mời đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), có lãi suất từ 8,5% – 15%.
Thị trường TPDN được xem là bùng nổ trong năm 2019 với lượng phát hành TPDN đạt khoảng 237.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), cao hơn 5,8% so với cả năm 2018. Các TPDN do NHTM phát hành chào bán cho nhà đầu tư và cam kết mua lại sau 9 – 12 tháng khá an toàn nhưng lãi suất chỉ khoảng 8,5%, trong khi đó người mua không được rút tiền trước hạn như tiền gửi tiết kiệm nên cũng không hấp dẩn. Còn các TPDN do các Công ty chứng khoán chào bán có lãi suất lên đến 15%, cao gấp đôi so với gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng không bảo đảm khả năng trả vốn khi đến hạn. Bởi vì, khá nhiều doanh nghiệp là công ty bất động sản (BĐS) không thể vay vốn ngân hàng, trong khi gành BĐS được xem là sẽ gặp khó khăn trong năm 2020 – 2021.
Tóm lại, trong năm 2020 với lãi suất tiền gửi trong khoảng 7% – 8%, thì gửi tiết kiệm vẫn là có hiệu quả nhất trong số các kênh đầu tư thụ động.
Bất động sản thực sự gặp khó khăn
Với giá nhà đất tăng mạnh trong giai đoạn 2016 – 2018 ở mọi phân khúc và lan ra khắp nơi, nhiều nhà đầu tư “nhảy” vào BĐS trong tâm thế “mua nhà đất
không bao giờ lỗ, rồi thì nó cũng lên giá”. Tuy nhiên, khi kênh đầu tư BĐS giảm nhiệt trong năm 2020, nhà đầu tư sẽ tạm thời “di trú” qua các kênh đầu tư thụ động nói trên.
Với đất nền, giá đất nền vùng ven sẽ hạ nhiệt do mức giá đã tăng mạnh trong 3 năm qua, trong đó phần lớn là nhà đầu cơ mua để chờ giá lên, chứ không
phải mua để sử dụng khai thác. Ngoài ra, các khu vực này cũng rất khó xây nhà cho thuê ở hoặc kinh doanh do không có nhu cầu nhiều. Các khu vực cục bộ ở những vùng có động lực kinh tế và dự án đầu tư lớn của Nhà nước có thể vẫn tăng nếu Nhà nước triển khai dự án. Tuy nhiên, số này không nhiều bởi năm 2020 cũng sẽ có ít dự án lớn về hạ tầng của Nhà nước được triển khai.
Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng được nhiều công ty BĐS lớn tham gia trong năm 2019, kỳ vọng sẽ thay thế phân khúc căn hộ đang bị vướng thủ tục pháp lý. Nhiều công ty và tập đoàn lớn đã triển khai các dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô từ vài ngàn đến chục ngàn căn biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng tại các vùng biển du lịch, nhưng với vụ Cocobay thì phân khúc này sẽ gặp khó khăn lớn trong năm 2020. Giá căn hộ nghỉ dưỡng đang giảm khoảng 10 – 15% trong quý 4/2019, tình hình năm 2020 sẽ không khả quan hơn do một số NHTM hạn chế cho vay loại hình này.
Nhìn chung, thị trường BĐS sẽ trầm lắng trong năm 2020, với mức độ giao dịch giảm mạnh. Các nhà đầu tư nên tập trung ở các phân khúc BĐS có giá trị khai thác hoặc đầu tư lâu dài, thay cho làn sóng đầu cơ như các năm trước.
Chứng khoán khả quan hơn
Trong năm 2019, VN- Index đã 2 lần vượt qua mốc 1.000 điểm vào tháng 3 và tháng 11, nhưng không trụ được lâu và quay lại mức 950 điểm, tạo tâm lý bi quan với nhiều nhà đầu tư.
Hiện nay, thị trường đang trong giai đoạn suy giảm, dòng vốn ngoại bị rút ra trong quý 4/2019, và các quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam không gọi được thêm nguồn vốn mới. Thanh khoản trung bình của thị trường hiện nay khoảng 4.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 27% so với mức trung bình năm 2018. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang thận trong với thị trường.
Thống kê 35 cổ phiếu theo tiêu chuẩn đầu tư danh mục của Quỹ đầu tư cho thấy trong năm 2019, cổ phiếu ngành BĐS- xây dựng bị suy giảm mạnh nhất, ngành thương mại – dịch vụ và ngành tài chính- ngân hàng vẫn giữ được mức tăng dù thị trường đang suy giảm. Với mức tăng/giảm cao nhất (+ 70,3%; – 26,7%) cho thấy có sự phân hóa rất mạnh trong nhóm cổ phiếu này theo khẩu vị của nhà đầu tư, mặc dù đều có chung những tiêu chuẩn chọn lựa về các giá trị công ty.
Bên cạnh đó, với mức giảm 0,9% của nhóm 35 cổ phiếu tuyển chọn tính từ đầu năm so với mức tăng 9,5% của VN-Index cho thấy, việc đầu tư cổ phiếu nắm giữ lâu dài theo danh mục như các quỹ mở nước ngoài vẫn chưa hiệu quả tại thị trường Việt Nam.
Mặc dù thị trường chứng khoán đang suy giảm, nhưng triển vọng năm 2020 là tích cực do kinh tế vĩ mô đang ổn định, tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, lãi suất tại Nhật và EU đang rất thấp và sẽ duy trì trong năm 2020. Điều này sẽ khiến một nguồn vốn chuyển vào thị trường chứng khoán các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đáng chú ý, hiện nay giá của nhiều cổ phiếu loại này đã trở nên hấp dẫn với mức P/E từ 7 – 12 lần so với bình quân thị trường hiện nay là 15,5 lần. Những cổ phiếu này hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn đầu tư giá trị của W.Buffet, đồng thời khá an toàn đón đợt tăng giá mới trong vòng 1- 2 tháng tới.
Thống kê 18 phiên của thị trường chứng khoán Việt Nam vào cuối quý 1, thì có 12/18 năm có đợt tăng giá nhẹ. Với mức giá một số cổ phiếu hiện nay, nhà đầu tư cá nhân có thể kiếm lời từ 20 – 30% theo dự đoán đợt tăng giá sau Tết. Những cổ phiếu đáng chú ý dẫn đầu vẫn là ngành tiêu dùng – dịch vụ, một số cổ phiếu ngân hàng. Riêng ngành BĐS, mặc dù giá cổ phiếu nhóm ngành này đã thấp khá hấp dẫn so với lợi nhuận, nhưng ngành này đang bị thị trường đánh giá thấp nên khả năng tăng giá vẫn là dấu hỏi.