“Trong năm 2019, TP Đà Nẵng đã thu hút 690,76 triệu USD vốn FDI, cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 09 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 8.829 tỷ đồng,…”.
Đó là chia sẻ của ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng khi nói về kết quả thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng.
Cụ thể, Thành phố Đà Nẵng đã thu hút được 690,76 triệu USD vốn FDI. Trong đó có 132 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 438,042 triệu USD (gấp 7,7 lần so với cùng kỳ năm 2018); 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 117,38 triệu USD (gấp 63 lần so với cùng kỳ 2018); 210 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 135,334 triệu USD (gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Riêng với vốn đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 09 dự án đầu tư trong nước , tổng vốn đầu tư 8.829 tỷ đồng; lũy kế đến nay, Thành phố có 331 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 104.707 tỷ đồng.
“Sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Thành ủy, sự điều hành hiệu quả của lãnh đạo UBND thành phố và sự nỗ lực không ngừng của các Sở, ngành trên địa bàn thành phố, nhất là BQL KCNC và các KCN Đà Nẵng đã mang lại kết quả nói trên”, người đứng đầu Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng nhấn mạnh khi giải thích vì sao Thu hút đầu tư trong năm 2019 của TP Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc, đạt được kết quả cao.
Cùng với đó, ông Trần Phước Sơn cho biết trong năm 2019, công tác cải cách hành chính của các đơn vị được thực hiện triệt để, cắt giảm thời gian xử lý hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư, doanh nghiệp. “Thành phố đã ban hành Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 24/6/2019 phê duyệt Đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư đối với các dự án thực hiện ngoài các KCN, KCNC và Khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố. Tại Quyết định này đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối, tổng chỉ huy có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tiến độ tổng thể thực hiện các thủ tục đầu tư cho từng dự án cụ thể và trực tiếp đôn đốc theo dõi, giám sát, tổng hợp và báo cáo UBND thành phố tình hình triển khai cho lãnh đạo Thành phố. Qua việc triển khai Quyết định này, thành phố đã cơ bản xử lý được một số vướng mắc của các dự án, tiến đến cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài”.
Nói về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết: từ đầu năm đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 5.115 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn điều lệ đăng ký 25.088,6 tỷ đồng; tăng 6,9% về số doanh nghiệp và tăng 2,1% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 30.683 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 208.480 tỷ đồng.
Do đó, với việc chủ đề năm 2020 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, để tiếp tục gặt hái được thành công, Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung trên cơ sở đó quy hoạch phân khu làm cơ sở quy hoạch chi tiết cho từng địa điểm để chủ động thu hút đầu tư; Khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN và Cụm công nghiệp mới, tổ chức xúc tiến các nhà đầu tư phát triển trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực; Triển khai thực hiện Đề án “Tổng thể phát triển KCNC Đà Nẵng đến năm 2030”; trong đó, điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích đất sản xuất công nghệ cao, cao nghiệp phụ trợ để thu hút các nhà đầu tư lớn theo mục tiêu đã đề ra;…
Nói về định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, theo ông Trần Phước Sơn thì xuất phát từ lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi và đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị “xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của khu vực miền Trung – Tây Nguyên” nên thành phố đã đưa ra nhiều phương án phát triển. Tuy nhiên, khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (1997), xuất phát điểm của thành phố rất thấp do đó để phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút được nguồn vốn quan trọng cho thành phố thì thành phố chọn phương án khai thác quỹ đất.
Đến nay, khi nguồn lực của thành phố đã đầy đủ, thành phố chuyển sang nền tảng phát triển động lực khác mang tính bền vững trong đó có phát triển công nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian này, thành phố đang tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực công nghệ cao và cụ thể là UBND thành phố đã ban hành số 4621/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 phê duyệt Đề án “Tổng thể phát triển KCNC đến năm 2030”.
“Do đó, trong thời gian đến tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác để đẩy mạnh thu hút đầu tư đặc biệt là thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao có quy mô lớn, có sức lan tỏa; Tăng cường hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo quốc tế trong công tác triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu-phát triển, ươm tạo – khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.”,…