Trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt nhiều nhưng chủ yếu là “made in VietNam”, còn thương hiệu thuộc về doanh nghiệp ngoại.
Theo Bộ Công Thương, khoảng 70% – 80% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình, ngay cả các ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tuy nhiều nhưng chủ yếu đóng vai trò là “made in VietNam”, còn việc xây dựng thương hiệu là của doanh nghiệp ngoại. Vì vậy, xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực đóng vai trò quan trọng.
Đây cũng là một trong những yêu cầu được đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh nhằm nâng cao giá trị hàng hoá, mở rộng thị trường cũng như đảm bảo xuất khẩu bền vững.
Tại các thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tại châu Á – châu Phi, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần là rất lớn. Còn nhiều thị trường tiềm năng, thị trường ngách để các doanh nghiệp khai thác.
Chẳng hạn, tại Nam Á còn thị trường đông dân, nhiều tiềm năng như Banglades, Pakistan; Trung Đông, hay Nam Phi, Ai Cập… Ngay cả trong những nước ASEAN vẫn còn thị trường nhiều tiềm năng như Singapore, Malaysia, Indonexia, Miama.
Ngoài ra, không thể không kể đến các thị trường có sức mua rất lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thị trường Trung Quốc rộng lớn cần tiếp tục khai thác thế mạnh. Riêng thị trường Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho 12 loại rau quả của Việt Nam cùng một số mặt hàng khác như tổ yến, thạch đen, bột cá, sữa và thuỷ sản các loại. Hai nước đang xúc tiến ký tiếp Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi nên các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu với những mặt hàng này.
Những cơ hội tiếp tục mở ra, trong một số vấn đề được đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi lưu tâm có câu chuyện liên quan đến việc nhận diện và thương hiệu. Theo đó, các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản Việt tại các thị trường nhập khẩu chính hoặc thị trường tiềm năng có nhu cầu phát triển để nâng cao giá trị xuất khẩu, nhận diện thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm, qua đó xuất khẩu bài bản và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu thành công, doanh nghiệp cần nỗ lực hoàn thiện bộ nhận diện sản phẩm và các điểm tiếp xúc thương hiệu; xây dựng thương hiệu gắn chặt với quản trị thương hiệu. Gắn liền với việc xây dựng thương hiệu là đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá thành, thoả mãn thị hiếu đa dạng, khắt khe tại các thị trường nhập khẩu; tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, xây dựng niềm tin thương hiệu bằng chất lượng, giá trị sản phẩm.
Quan trọng hơn, để giữ thị trường và tiếp tục phát triển thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng hoá xuất khẩu nói chung và nông sản, thực phẩm chế biến nói riêng, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng kiến nghị cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thực hiện nghiêm quy định về mã số vùng trồng…