Chuyển tới nội dung

Dầu sẽ “nổi” khi Nga, Mỹ và OPEC bắt tay?

Hy vọng xây dựng một thỏa thuận “ngừng bắn” trong cuộc chiến giá dầu tàn khốc giữa Saudi Arabia và Nga có vẻ như sắp thành hiện thực?

Thứ 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã đưa ra một đề nghị các bên liên quan cắt giảm sản lượng lớn dầu thô. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng kêu gọi một cuộc họp “khẩn cấp” giữa OPEC, Nga và các quốc gia giấu tên khác để khôi phục lại sự “cân bằng” cho thị trường dầu mỏ.

Một cuộc họp của OPEC tại Vienna, Áo. Ảnh: AP.

Mặc dù vẫn chưa có ngày nào được ấn định cho một cuộc họp như vậy và cũng chưa có một thỏa thuận nào về việc cắt giảm sản lượng được công bố nhưng thị trường dầu mỏ đã “ăn mừng” rầm rộ.

Và điều này đang khiến giá dầu thô thế giới chợt tăng trở lại. Giá dầu của Mỹ tăng vọt 35% lên 27,39 USD/thùng sau khi Trump nói trên Twitter rằng ông hy vọng Saudi Arabia và Nga sẽ giảm sản lượng từ 10 triệu đến 15 triệu thùng mỗi ngày.

D.Trump “hớn hở” bày tỏ tâm trạng vui mừng sau cuộc gọi với Hoàng tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman rằng: “nếu điều đó xảy ra, sẽ là TUYỆT VỜI cho ngành dầu khí!”.

Riah và Moscow đang “cầm chân” nhau trong một cuộc chiến giá dầu kể từ đầu tháng 3, thị trường dầu mỏ trở nên “ảm đạm” hơn bao giờ hết với giá dầu thô cũng như nhu cầu đang “nằm đáy” trong vòng 18 năm qua vì đại dịch COVID-19. Và điều này đang “tàn sát” các công ty dầu mỏ và cổ phiếu ngành năng lượng của Mỹ.

Liệu có việc “cùng nhau chia sẻ gánh nặng”?

Mặc dù Trump đề nghị việc cắt giảm sâu sản lượng sẽ chỉ đến từ các nhà xuất khẩu lớn, nhưng có những dấu hiệu cho thấy OPEC đang tìm kiếm các quốc gia khác cùng tham gia, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Một nguồn tin trong liên minh OPEC + cho biết: “chúng tôi cần sự chia sẻ gánh nặng và thật không công bằng cho hai hoặc ba nhà sản xuất trong OPEC + phải thực hiện hầu hết trách nhiệm”.

Việc cắt giảm trước đây của OPEC và các đồng minh đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ chiếm được thị phần. Hoa Kỳ gần đây đã vượt qua Nga và Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Theo các nhà phân tích thị trường ước tính, toàn cầu hiện đang bị dư cung dầu mỏ khoảng 25 triệu thùng mỗi ngày. Ảnh Reuter.

Một số nhà sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã kêu gọi các quan chức ở Texas áp đặt giới hạn đối với sản xuất dầu của tiểu bang – một bước đi ngược lại với các đặc điểm thị trường tự do của ngành năng lượng tại Hoa Kỳ. Ủy ban Đường sắt Texas, nơi điều tiết ngành năng lượng của tiểu bang, đã không thực hiện quyền lực đó trong hơn 40 năm qua.

Ryan Sitton, một ủy viên trong cơ quan quản lý Ủy ban Đường sắt Texas, cho biết, ông đã có một “cuộc trò chuyện tuyệt vời” với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, trong đó câu chuyện thảo luận chính là về việc rút 10 triệu thùng mỗi ngày ra khỏi nguồn cung dầu toàn cầu.

Sitton cho rằng, mặc dù Mỹ và OPEC+ vẫn ở thế cạnh tranh nhưng cùng đồng ý với nhau rằng COVID-19 là một “trở ngại chung” nên cần có sự yêu cầu hợp tác ở mức độ quốc tế. Ông cũng nói thêm rằng ông sẽ sớm có cuộc nói chuyện cùng với bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia.

Các nhà phân tích thị trường ước tính, toàn cầu hiện đang bị dư cung khoảng 25 triệu thùng mỗi ngày. Trong thực tế, nhu cầu về nhiên liệu vận tải nói riêng đã bị suy giảm do hạn chế đi lại nhằm mục đích ngăn chặn đại dịch. Một thỏa thuận “ngừng bắn” giữa các bên vào thời điểm này sẽ hỗ trợ “niềm tin” cho một thị trường dầu mỏ “lành mạnh”.

Và theo các chuyên gia, điều này “hoàn toàn phi thực tế”!

Một cơ quan báo chí chính thức từ Riah cho biết hôm thứ 5 rằng, quốc gia này đang hy vọng sẽ có một cuộc họp cho các thành viên của liên minh OPEC +, trong đó bao gồm Nga và “một nhóm các quốc gia khác” trong nỗ lực đạt được một “giải pháp công bằng” để khôi phục sự cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới.

Không rõ những ai sẽ là một phần của “nhóm các quốc gia bổ sung” đó. Nhưng cũng theo tờ tin tức này thì lời mời trên là một phần trong nỗ lực của Saudi Arabia nhằm hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu và bên cạnh đó, tờ báo này đánh giá rất cao “sự nhiệt tình” của Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại bày tỏ sự quan ngại về việc các bên liên quan sẽ đột nhiên đảo ngược tiến trình và cắt giảm sản lượng như D.Trump đã đề xuất!

Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData chỉ ra rằng việc D.Trump đã đưa ra mức cắt giảm sản lượng lên đến 10 triệu thùng/ngày là điều “hoàn toàn phi thực tế” bởi xét về mặt con số thì đây là tương đương với tất cả sản lượng của Saudi Arabia

Những “đòn đánh” của Nga hiện nay với mục tiêu làm suy yếu và nhấn chìm các nhà sản xuất dầu đá phiến chi phí cao của Mỹ trong một “biển dầu” giá rẻ. Không dễ để Moscow có thể ngồi lại vào bàn đàm phán trong một nỗ lực cắt giảm sản lượng.

Rất có thể, sự “chạm đáy” gần đây của giá dầu xuống đến 20 đô la/thùng có thể sẽ gây ra làn sóng phá sản và cắt giảm việc làm trong ngành dầu khí Hoa Kỳ. Và đó mới là mục tiêu của Nga và Putin hiện nay.

Tuy nhiên, “Cầu” mới là vấn đề cốt lõi.

Việc cắt giảm sản lượng của Nga và Saudi Arabia có thể sẽ giảm bớt áp lực lớn trên thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của “sự cố giá dầu” là do nhu cầu yếu chứ không phải do cung vượt mức. Các hạn chế đi lại toàn cầu đang áp đặt để chống lại đại dịch COVID-19 đã gây ra sự “khủng hoảng” chưa từng thấy trong mọi lĩnh vực.

Nhu cầu xăng dầu của Mỹ, yếu tố quan trọng số 1 đối với nhu cầu dầu toàn cầu, đang giảm mạnh vì hầu hết người Mỹ đã buộc phải làm việc ở nhà. Đường cao tốc vắng tanh, máy bay chở khách nằm “đắp chiếu” và các nhà máy thì hoạt động cầm chừng càng khiến cho nhu cầu về dầu mỏ giảm nhanh.

IHS Markit, nhà cung cấp thông tin toàn cầu có trụ sở tại Luân Đôn ước tính rằng, nhu cầu xăng dầu của Mỹ có thể giảm đến hơn 50% trong giai đoạn nước này “đối phó” với đại dịch COVID-19. Và điều đó đã vượt qua thời điểm thấp nhất trong cuộc “Đại suy thoái”.

Cuối cùng, tất cả điều này có nghĩa là ngay cả khi có một thỏa thuận “ngừng bắn” giữa Saudi Arabia và Nga, giá dầu thế giới vẫn chưa thể “mỉm cười”.

Nguyễn Chuẩn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved