Chưa khi nào các giải pháp để “giải cứu” thị trường bất động sản lại được ban hành nhiều như năm 2023.

Dốc sức “giải cứu” 

Điển hình, trong tháng 2/2023, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, xác định những khó khăn và vướng mắc đối với lĩnh vực này. Đồng thời, đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó là ban hành một loạt chính sách như Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định số 12 ngày 14/4/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023…

Trong năm 2023, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác trực thuộc Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tính đến thời điểm hiện nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản đã nhận được 130 văn bản báo cáo liên quan đến 183 dự án trên cả nước. Trong đó có 20 dự án được tập trung tháo gỡ trong quý 3 vừa qua.

Đáng chú ý, đầu tháng 11/2023, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua 2 đạo luật quan trọng gồm Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Để khơi thông tín dụng, Thủ tướng Chính phủ cùng NHNN cũng đã có nhiều động thái điều chỉnh chính sách, ban hành cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, góp phần thúc đấy thị trường địa ốc.

Về lãi suất, NHNN cũng đã liên tục điều chỉnh hạ bốn lần mức lãi suất điều hành trong nửa đầu năm với mức giảm từ 0,5 – 2,0%/năm. Những điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn. Từ đó giúp họ có khả năng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã trao đổi cùng các ngân hàng thương mại để tìm các giải pháp nhằm giảm chi phí và giảm lãi suất. Hiện nay, mức lãi suất của ngân hàng thương mại giảm trung bình từ 1,5 – 2%, tùy thuộc vào từng loại vay. Nhiều ngân hàng còn cung cấp các gói vay ưu đãi.

Mới đây, Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 được ban hành trong tình hình thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn tồn tại nhiều thách thức.

Những tín hiệu phục hồi

Sau những nỗ lực từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong việc thực hiện các chính sách điều hành thị trường, đến nay đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực rõ rệt trong nửa cuối năm. Điều này thể hiện qua việc thanh khoản trên thị trường dần trở lại cùng với nguồn cung dồi dào.

Theo thông tin từ VARS, sang đến quý 3, thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc hơn khi thanh khoản đạt mức 6.000 giao dịch, tăng gấp 1,5 lần quý 2 và gấp 2 lần quý 1/2023. Đặc biệt, tâm lý e dè của khách hàng và nhà đầu tư đã phần nào được gỡ bỏ.

Nhận định về thị trường, ông Đậu Minh Thanh – Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho rằng, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Đến 6 tháng cuối năm, những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng và các địa phương để tháo gỡ khó khăn đã mang lại kết quả, các vướng mắc từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Các chuyên gia cho rằng, những nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ đã góp phần “hồi sinh” thị trường địa ốc. Đặc biệt, những quy định mới trong 2 bộ Luật mới thông qua được đánh giá là “bước đệm” giúp thị trường bất động sản dần phục hồi và trở nên minh bạch hơn.

Theo dự báo, từ giữa năm 2024, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu “ấm” dần bởi những “trợ lực” từ các dự án đầu tư công, chính sách tín dụng từ Chính phủ.