Chuyển tới nội dung

Đất nền vùng ven tắt sóng

Cơn sóng săn đất nền đang dần tắt nhiệt tại các thị trường vùng ven TP.HCM, nhu cầu mua giảm kéo theo đó là động thái thoát hàng của nhiều nhà đầu tư.

Nhu cầu mua hạ nhiệt

Động thái siết tín dụng vào bất động sản, cùng với việc siết chặt quy hoạch, phân lô bán nền…, khiến thanh khoản đất nền giảm rõ rệt trên diện rộng. So với cách đây vài tháng, thị trường BĐS không còn cảnh tấp nập, sôi động. Tình trạng nhà nhà, người người đổ xô tìm kiếm cơ hội đầu tư đất đai đã không còn, thay vào đó là tâm lý thăm dò, phòng thủ ngày càng dâng cao. Dù chưa diễn ra tình trạng bán tháo, nhưng lệch pha cung – cầu xuất hiện khi người bán nhiều, người mua dần vắng bóng.

Sự chững lại rõ nét nhất là loại hình đất nền ở các thị trường vùng ven. Các môi giới địa phương cho biết, giao dịch đất nông nghiệp, đất vườn tại Đắk Nông, Bình Phước giảm khoảng 60-70%; Bình Thuận giảm khoảng 50% so với cao điểm đầu năm. Dù lượng sản phẩm rao bán khá nhiều nhưng không có mấy người mua. Tại những địa bàn này hiện không còn cảnh người mua người bán tấp nập săn đất vườn, đất rẫy, nhằm đón đầu hạ tầng, giao dịch sang tay nhanh như trước.

20220517145351-0d97

Giao dịch nhà đất đang dần hạ nhiệt tại nhiều thị trường sau thời gian sốt nóng.

Báo cáo thị trường tháng 4 cũng cho thấy xu hướng tìm kiếm và giao dịch đất nền đang giảm mạnh tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm phân khúc đất nền cả nước giảm 18% so với tháng 3/2022. Hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận lượng khách quan tâm tìm kiếm đất nền giảm lần lượt 17% và 11% so với tháng trước.

Khu vực phía Bắc, đất nền chào bán tại Quảng Ninh và Hưng Yên lần lượt ghi nhận sự sụt giảm lượt tìm kiếm là 24% và 26% so với tháng 3 trước đó. Các thị trường nóng về đất nền ở miền Trung là Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa đều rơi vào tình trạng giảm nhiệt cả về lượng tin rao và nhu cầu giao dịch. Đà Nẵng có lượng tin rao bán đất nền giảm 4%, nhu cầu tìm mua giảm 16% so với tháng trước; Hải Phòng cũng giảm 29% nhu cầu mua còn Khánh Hòa và Quảng Nam lần lượt giảm 5-6% so với tháng trước.

Với các thị trường phía Nam, tình hình cũng diễn ra tương tự. Mức độ quan tâm tìm kiếm đất nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận giảm 19%, lượng tin rao bán giảm 10% so với tháng trước. Bình Dương cũng có nhu cầu mua và rao bán đất nền giảm lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm mua đất nền Đồng Nai và Long An cùng giảm 12% so với tháng trước.

Siết vốn khiến đất nền tắt thanh khoản

Ngay những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản hứng chịu nhiều biến động từ lạm phát, căng thẳng địa chính trị đến loạt động thái siết chặt thị trường. Đặc biệt, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bị siết khi Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… một số ngân hàng đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực BĐS.

Dưới sự tác động của loạt động thái siết chặt, ngay lập tức thị trường BĐS đã có những dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là đất nền, loại hình chính hút nhà đầu tư và đầu cơ.

20220517145431-0aa9

Thắt tín dụng vào thị trường bất động sản khiến hoạt động đầu tư, đầu cơ đất nền giảm mạnh.

Bàn về dấu hiệu hạ nhiệt của thị trường đất nền, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn nhận định, các thông tin liên quan đến việc thắt chặt tín dụng BĐS cũng như các chính sách khác đã ảnh hưởng tới hành vi tìm kiếm của người mua trên thị trường. Một số loại hình được nhiều người quan tâm và rất nóng như đất nền đã giảm gần 20%. Những con số này cho thấy cung, cầu trên thị trường đã bị tác động. Hiện các nhà đầu tư, các sàn đều trong trạng thái thận trọng, chờ đợi để xem thị trường như thế nào. Điều này khiến giao dịch trên thị trường chững lại.

Đánh giá chung về bức tranh thị trường BĐS, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, nền kinh tế phát triển ổn định với mức tăng trưởng GDP tốt hơn cùng kỳ 2020 và 2021, đạt 5,03%. Đáng chú ý, trong khi FDI đăng ký toàn ngành giảm 12% so với cùng kỳ năm trước thì vốn FDI đổ vào bất động sản tăng 213%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Các số liệu đều cho thấy nền kinh tế năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững khi vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, có trọng tâm. Lãi suất ổn định và kinh tế bắt đầu hồi phục tốt sau hơn 2 năm dịch Covid-19.

Chính phủ đang từng bước minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Việc siết tín dụng tuy sẽ khiến nhóm dùng đòn bẩy tài chính khó huy động vốn nhưng giúp hạn chế đầu cơ, đẩy giá BĐS tăng lên. Do đó, các biện pháp liên quan tới siết chặt tín dụng là chủ trương tốt, để thị trường BĐS ổn định, phát triển lành mạnh. Tuy nhiên ngân hàng cần có “bộ lọc” trong việc siết tín dụng cũng như xem xét giản ngân với chủ đầu tư, dự án uy tín. Việc hạn chế tín dụng vào lĩnh vực BĐS cần có lộ trình. Bài học thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tín dụng năm 2008 và năm 2011 dẫn đến thị trường hai lần bị đóng băng trong hơn 10 năm qua là những bài học đáng giá mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm.

Phương Uyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved