Chính phủ có thể kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng cũng như lạm phát năm 2020.
Đó là tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4/2020 vừa qua. Mọi người đều biết, chỉ số CPI và lạm phát trong 1 năm kế hoạch là một chỉ tiêu rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế vi mô và kiềm chế lạm phát của nhà nước.
CPI quý I năm 2020 đã thể hiện ở mức khá cao, cần đặc biệt lưu ý tình hình lạm phát của 3 quý còn lại trong năm nhằm thực hiện mục tiêu CPI dưới 4% trong năm nay. CPI bình quân quý I đã tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm 2016-2020.
Qua số liệu thực hiện quý I cho ta thấy việc điều hành giá cả thị trường trong 3 quý còn lại của năm nay sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. Đặc biệt cần lưu ý là những yếu tố của giá cả lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các gia đình, đặc biệt là giá thịt lợn và giá lương thực thực phẩm.
Vậy làm thế nào để có thể chủ động điều hành giá cả trong thời gian sắp tới? Rất cần những lời giải ngay từ đầu quý II năm 2020 trở đi và cho những tháng cuối năm. Chính phủ đã tuyên bố: “Giá sách giáo khoa lớp 1 năm học mới và giá thịt lợn phải hạ xuống thấp nữa”.
Bởi như dự báo, giá của sách giáo khoa sẽ tăng từ 2,5 – 3 lần, còn giá thịt lợn mặc dù đã có những điều hành trong tháng 2,3/2020 nhưng đã không giảm mà còn có chiều hướng tăng mạnh trong đầu tháng 4/2020. Đó là chiều hướng tăng giá mà cả người tiêu dùng và Chính phủ đều phải trăn trở để tìm hướng giải quyết một cách quyết liệt hơn trong tháng 4 này.
Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, doanh nghiệp và địa phương phải kiên quyết chỉ đạo về giá, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng và giá các dịch vụ khác. Ví dụ, đối với sách giáo khoa, không thể có giá bán tăng mạnh như vậy. Giá thành sản xuất thịt lợn hiện nay chỉ có 43.000 – 45.000đ/kg hơi, nhưng đã bán tới mức giá 70.000đ/kg hơi, lãi khoảng 2-3 triệu đồng/con là quá cao.
Các công ty chăn nuôi lớn đều công bố lãi rất cao, chính vì vậy yêu cầu trong đầu tháng 4 các công ty phải tìm mọi biện pháp để giảm giá xuống 60.000đ/kg hơi. Các bộ ngành bao gồm Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng của mình, đề xuất các giải pháp về bình ổn giá thịt lợn, đồng thời kiểm tra giá thành sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn để có những biện pháp hữu hiệu.
Yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá bán theo chỉ đạo của Chính phủ. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi thì phải xử lý theo pháp luật. Chính phủ cũng đề nghị các bộ nghiên cứu để đưa giá gạo ổn định, đảm bảo lương thực một cách chủ động cho tiêu dùng và có dự trữ chiến lược.
Với các loại giá khác như nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục, Chính phủ yêu cầu phải đánh giá những tác động khi tăng giá. Chỉ tăng giá khi đã kiểm soát được chỉ số giá và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành giá trong năm nay.
Tại cuộc họp về điều hành giá vừa qua, chúng ta thấy rất rõ một số quan điểm về điều hành giá cả của Chính phủ, đó là “động viên các doanh nghiệp nhưng phải phân bổ lợi nhuận một cách hợp lý. Chi phí trung gian trong phân phối thịt lợn đang rất lớn, phải làm sao để đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa các khâu chăn nuôi, chế biến, giết mổ, phân phối, lưu thông và của cả người tiêu dùng”
Người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi “Giá thịt lợn tăng cao vô lý như vậy, người chăn nuôi nhỏ lẻ có được hưởng lợi không?” Ngoài việc kiểm tra các công ty chăn nuôi có quy mô lớn thì còn phải kiểm tra cả khâu doanh nghiệp, siêu thị là những đơn vị bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng.
Các bộ ngành phải kiểm tra việc chấp hành pháp luật về độc quyền và cạnh tranh, làm rõ khâu hạch toán giá thành, lợi nhuận nộp ngân sách của những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn trên thị trường. Qua những quan điểm về điều hành giá và xử lý những yếu tố giá bất hợp lý trên thị trường hiện nay cho ta thấy, việc điều hành của Chính phủ hết sức tự tin, chủ động, tất cả đều vì quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhìn rộng ra, chúng ta đều thấy trong lĩnh vực giá cả trên thị trường hiện nay, ngoài thịt lợn, gạo thì những mặt hàng thiết yếu khác cho đời sống xã hội như gia cầm, trứng các loại, rau hoa quả… nhất là những sản phẩm sạch được sản xuất thì phần trăm tiêu thụ ở các siêu thị còn rất ít ỏi, đa phần các sản phẩm sạch phải bán lẫn lộn ở ngoài thị trường với sản phẩm chưa sạch.
Điều đó đã làm giảm chí tiến thủ của người sản xuất chăn nuôi sạch trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm khi đi từ sản xuất đến tiêu dùng còn phải qua rất nhiều khâu trung gian đẩy giá lên, người sản xuất đa phần hưởng lợi nhuận rất thấp, còn người tiêu dùng lại mua với giá cao vô lý, trung gian được hưởng lợi phần lớn. Đây là bất cập đã kéo dài ở thị trường nội địa Việt Nam nhiều năm nay chưa được khắc phục.
Chúng ta tin tưởng với những quan điểm rõ ràng và quyết liệt của Chính phủ trong việc điều hành giá cả các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đang nổi lên hiện nay, trong thời gian tới mặt bằng giá cả sẽ từng bước hình thành một cách hợp lý hơn nhằm đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và phục vụ hiệu quả cho người tiêu dùng. Góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát một cách hợp lý trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo.