Chuyển tới nội dung

Đào tạo nghề lao động nông thôn: Cần “câu” hay “câu” sao cho hiệu quả?

Cho con cá hay cho chiếc cần câu. Tất nhiên, giải pháp vế sau sẽ tạo tính lâu dài và người lao động có cơ hội để tạo dựng và phát triển nghề nghiệp. Song, để tạo ra sự bền vững thực chất, “học câu như thế nào” mới là yếu tố tiên quyết giúp người lao động không bỏ nghề để tìm kiếm cơ hội khác…

Vẫn còn không ít tình trạng học xong bỏ nghề

Theo thống kê của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), sau 10 năm (kể từ năm 2010), đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đến năm 2020, cả nước đã có trên 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ. Trong đó, có hơn 5,8 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956, đạt 87% mục tiêu của Đề án 11, Đề án 03. Từ năm 2021 đến 2025, toàn quốc đã, đang và sẽ đào tạo nghề các trình độ cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Sau học nghề, số người dân có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề. Trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

 Người dân học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Tổng hợp từ các địa phương, thống kê cho thấy, có gần 350 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề. Gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá. Gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các đề án đào tạo nghề nông thôn, nhiều thực trạng vẫn còn nan giải. Cụ thể như việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp. Người dân học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn, hiệu quả việc làm sau đào tạo còn hạn chế…”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh về những khó khăn trong đào tạo nghề hiện nay.

Mường Ảng, huyện nằm top 62 huyện nghèo thuộc diện 30a (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP) của Chính Phủ, thuộc tỉnh Điện Biên. Trong những năm qua, nhiều đợt đào tạo nghề cho người dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông… nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 30,85%) đã được phổ cập thường xuyên. Những nghề như thêu may, đan lát được đào tạo bài bản miễn phí, song sau những khóa học, gần như bà con lại trở về ruộng đồng thời vụ thay vì phát triển nghề nghiệp đặc trưng truyền thống. Nguyên nhân đơn giản, là hàng hóa từ đào tạo nghề bán chậm, hoặc không bán được. Thu nhập bấp bênh không đủ nuôi gia đình.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội đánh giá: Không ít các địa phương hiện nay giống như Mường Ảng, rơi vào tình trạng đào tạo nghề nhưng hiệu quả kinh tế đem lại từ nghề đó không cao, thậm chí không phù hợp với người đi học. Nhà nước cho cái cần câu thay vì con cá. Nhưng “câu” sao cho hiệu quả phải áp vào tình hình nội tại của địa phương. Như vậy mới giúp người dân không bỏ nghề đi tìm cơ hội khác. Điều này cũng giải quyết tình trạng lãng phí trong đào tạo nghề trong thời gian qua.

Năm 2022, lực lượng lao động của Việt Nam là vào khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng là 73,9%. Con số này đã tính cả tiêu chí học nghề xong nhưng vẫn như không có nghề.

Cần nhất là hiệu quả sau đào tạo nghề cho người dân

Trong một nghiên cứu của GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam đã giảm nhanh với tốc độ 1,6% mỗi năm trong giai đoạn 30 năm qua chủ yếu do lao động từ khu vực này chuyển sang các doanh nghiệp phi nông nghiệp.

Cụ thể, nếu như năm 1989, hơn 71% lao động Việt Nam làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và khi đó việc làm tư nhân hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, đến năm 2019, tỷ lệ này đã giảm đáng kể chỉ còn khoảng 42% lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Nguồn lao động thiếu và yếu, đối với một nước nông nghiệp, rừng vàng biển bạc, sẽ không còn là nguy cơ tiềm ẩn.

Chỉ còn khoảng 42% lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh cho biết: chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, và quá trình này tất yếu làm thay đổi tỷ trọng lao động của nền kinh tế Việt Nam. Phương châm của chuyển dịch cơ cấu lao động là phải phù hợp với cơ cấu kinh tế, gắn với giải quyết việc làm, nhất là cho những lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề. Năm 2018, lao động trong khu vực “nông, lâm, thuỷ sản” chiếm 37,7%, giảm 24,5 điểm phần trăm so với năm 2000. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu lao động trong khu vực này giảm xuống dưới 20% vào năm 2030 thì đây là một thách thức. Trong khi đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 13% tới 26,7% và khu vực dịch vụ tăng từ 24,8% tới 35,6% so với cùng thời kỳ. Số liệu còn cho thấy đã có sự chuyển dịch của lao động khu vực nông, lâm, thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ, đưa tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và xây dựng lên 26,7%, khu vực dịch vụ lên 35,6%, ở mức cao nhất kể từ năm 2000 đến nay.

“Nếu người dân bỏ nghề nông để hướng tới các ngành nghề có thu nhập tốt hơn vậy thì các lĩnh vực thế mạnh của quốc gia là nông, lâm, ngư nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân công, thiếu lao động, thậm chí thiếu nghề đúng nghĩa. Công tác đào tạo nghề đã tính đến sự chuyển dịch này. Chính vì vậy, cần nhất bây giờ là sự hiệu quả sau đào tạo nghề cho người dân, sự bền vững thực chất”, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhận xét.

Lấy ví dụ tại tỉnh Lai Châu để làm phần kết cho bài viết này: Cuối năm 2019, tỉnh Lai Châu đào tạo 37 lớp học nghề với 1.105 bà con nông thôn. Các chuyên ngành đào tạo gồm kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật gò hàn, kỹ thuật chế biến chè, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng nấm… Lớp học có thời gian đào tạo 60 ngày, mỗi học viên được hỗ trợ tiền ăn, đi lại cả khóa là 1,8 triệu đồng. Năm 2020, chỉ có 66 học viên được nghiệm thu, thanh quyết toán. Hơn 505 học viên không được nghiệm thu. Tất nhiên, phần lớn bà con sau khóa học lại trở về nghề nghiệp vốn có của mình.

Tuấn Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved