Từ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng xuống nút giao Hải Dương, chạy xe chưa tới 30 km là đến với đảo Cò thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương một ngày cuối Xuân mưa bay lất phất.
Thư thả chạy xe qua cánh đồng xanh non màu lúa vào thì con gái, gió thổi ràn rạt hắt làn mưa bụi giăng giăng trắng mờ khung cảnh làng quê êm ả cứ trôi theo vòng bánh xe lăn đều trên mặt đường láng mịn. Đô thị hoá nông thôn như còn bỏ quên vùng này, nên vẫn còn nhiều nếp nhà xây kiểu cũ – một gian thò, hai gian thụt, hay hai gian thò, ba gian thụt với sân rộng, ao trước, vườn sau đặc trưng của lối kiến trúc thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Chợt như cảm thấy mình được trở về với tuổi thơ, với những ngày thảnh thơi nô đùa cùng bạn bè trên triền đê, bờ ruộng.
Chả mấy chốc đã tới đảo Cò…
Ngày mưa vắng khách cho tôi cảm giác được tự do với thiên nhiên hoang sơ hiếm có giữa vùng đồng bằng có lịch sử hàng ngàn năm thuộc nền văn minh lúa nước sông Hồng. Mặt hồ rộng mờ mờ trong làn mưa bụi, đảo Cò hiền lành nằm giữa đảo mang màu xanh cây cối.
Con đường dẫn xuống bến thuyền có rặng tre đằng ngà vàng óng, uốn thành mái vòm tự nhiên rất đẹp mắt. Chỉ đến bến thôi đã thấy thấp thoáng bóng chim bay chấp chới ngang hồ nước, cùng tiếng lác xác đủ loại chim như dàn hợp ca nhiều màu sắc.
Khu bảo tồn tự nhiên cực kỳ quý giá, nơi đây có tới 16 ngàn con cò, sáu ngàn con vạc, cùng các loài chim khác chung sống. Để xuống hồ tham quan đảo, du khách có thể lựa chọn thuê thiên nga, hay dùng thuyền có gắn động cơ điện để chầm chậm lượn vòng quanh đảo.
Chuyện kể từ hàng mấy trăm năm trước, có năm lũ to làm vỡ đê sông Luộc, vùng đất tam giác giáp ranh giữa Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình này nước ngập trắng băng. Dòng nước cuồn cuộn tạo thành những vòng xoáy nước khổng lồ cuộn tròn nuốt chửng mọi thứ vào rốn xoáy, thế mà lại dồn đất nhô lên thành hòn đảo xinh đẹp.
Giữa đồng bằng mà hồ sâu lắm dù, có cửa cống thông cả với sông Luộc mà không bị phù sa bồi lắng, có chỗ sâu hàng chục mét nên nước rất xanh trong.
Năm 1994, chim chóc từ đâu kéo về làm tổ sinh sống, nhiều nhất là cò, chúng tụ về đậu trắng cả đảo. Người dân nơi đây coi là điểm lành với câu “đất lành chim đậu” nên quyết không cho săn bắn triệt hạ mà gìn giữ bảo tồn.
Công đầu ở đây là các bác cựu chiến binh và hội người cao tuổi, hợp sức cùng lãnh đạo chính quyền bảo vệ. Nên đảo Cò thực sự thành đất lành, thành nơi du ngoạn, khám phá, nghiên cứu khoa học, sinh vật học và cả các nhiếp ảnh gia.
Các cụ nơi đây nghiêm cấm săn bắt tuyên truyền vận động nhân dân gìn giữ môi trường cho đảo nên rất lạ, bên này là gia đình người dân sinh hoạt bình thường. bên đây là cơ man chim chóc đủ tiếng lao xao. Khác với vườn cò trong bộ tư lệnh quân khu 3 ở Kiến An, hay vườn cò ở Lập Thạch, Vĩnh Phú cả vườn cò ở Lạng Giang – Bắc Giang cũng không có cảnh chung sống giữa con người và cò, vạc thân thiện đến như vậy. Do cảm thấy an toàn nên thuyền có lướt sát đảo, khách có giơ máy chụp thì cò, vạc ở đây cũng không hốt hoảng bay lên.
Khung cảnh đảo Cò cho cảm giác người ta quay về với thập niên 80 với sự yên bình đậm chất Bắc Bộ, với luỹ tre xào xạc và mặt hồ nước hiền hoà, thú vị nhất là được thoả sức ngắm nhìn đàn chim đậu đầy trên ngọn cây.
Trên đảo trồng đầy tre gai, loại cây gắn liền với con cò, tre gai có thân dẻo nhánh dầy, các chạc tre như bàn tay xoè ra đỡ lấy tổ chim, cành tre nhỏ mà cứng cáp xếp thành tổ lại rất thoáng và nhanh ráo thoát nước khi trời mưa nên trứng cò mới không bị hỏng. Lá tre khô cuộn lại, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm áp, tầng tầng, lớp lớp gai bên dưới thành hàng rào tự nhiên bảo vệ trứng và chim non khỏi các loại rắn, chuột bọ lần ăn trứng, phá tổ ăn chim non.
Mùa này là mùa cò đẻ. Sáng ra, cò bố đi kiếm ăn, ở nhà chỉ còn cò cái và cò non đứng đậu bên cửa tổ. Đảo Cò có tới 9 loại cò, chăm chú quan sát sẽ thấy các con cò được ví von so sánh từ thời các cụ: “Gày như cò hương”, “lử cò bợ”, “co ro như cò tháng tám”. Cò nhạn là loài cò to nhất, còn lại là cò lửa, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang… Như câu văn trong sách tập đọc ngày xưa “cò và vạc là hai anh em”, ở đây có nhiều loài vạc như vạc xám, vạc sao, vạc lưng xanh. Cứ sáng ra cò bay đi kiếm ăn thì vạc về, tối cò về thì vạc đi, nhưng rất trật tự không chí choé hỗn loạn tranh giành.
Ngoài đảo chính thì đảo phụ trước có 7 hộ dân sinh sống nay cũng được di dời để mở rộng quy mô, đảm bảo môi trường tự nhiên cho đảo. Bờ đảo cũng được kè đá, giăng lưới thép chống sạt lở rất cẩn thận và có cả kế hoạch mở rộng thêm. Không hề dễ vì trồng tre gai phải trồng vào mùa đông, rồi chỉ được làm một lát buổi sáng, tránh kinh động đến cuộc sống của chim chóc, làm phải song song giữa phát triển và bảo tồn. Đảo Cò còn là điểm sáng khi khách đến rất tuân thủ, chỉ để lại dấu chân và lấy đi những bức ảnh, rác thải ở đây được xử lý khá tốt làm mặt hồ luôn trong xanh thơ mộng.
Trời nhiều mưa, không có được những tấm ảnh ưng ý, bù lại tôi được khoảng thời gian thảnh thơi ngắm cảnh và bổ sung nhiều kiến thức về chim cò cho bản thân. Cũng như thích thú với những thông tin về nguồn lợi thuỷ sản trong hồ An Dương với những chú trắm đen nặng hàng mấy chục cân.
Đảo Cò sẽ tiếp tục là điểm đến thú vị cho du khách yêu thích cảnh yên bình và những cánh cò trắng tung cánh trên trời xanh tuyệt đẹp.
Nhật Quang