Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNNT). căn cứ trên số liệu cân đối nguồn cung từ sản xuất ngành nông nghiệp. Về cơ bản thị trường sẽ ổn định, đảm bảo không bị thiếu hụt nhu cầu lương thực, thực phẩm phục vụ thị trường tiêu dùng Tết Tân Sửu 2021 cho đến hết quý I/2021.
Cụ thể, cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa năm 2020 như sau: sản lượng đạt khoảng 43,13 triệu tấn; nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 30 triệu tấn thóc; lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 – 13,5 triệu tấn thóc). Về mặt hàng rau quả, đến hết tháng 11/2020 diện tích rau cả nước sản xuất khoảng 900 nghìn ha, cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 20.000 ha; sản lượng đạt khoảng 16,182 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ 492 nghìn tấn. Sản lượng sản xuất rau năm 2020 về cơ bản đã đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cũng có thể sẽ gặp tình trạng thiếu hàng cục bộ, giá cả có thể nhích lên, vì diễn biến thời tiết năm 2020 có nhiều biến động rất bất thường, đặc biệt khu vực miền Trung.
Đối với ngành chăn nuôi, tình hình chăn nuôi trên cả nước 11 tháng đầu năm 2020 phát triển khá tốt; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Giá trị sản xuất chăn nuôi 11 tháng đầu năm tăng khoảng 4,0 – 4,5%, dự kiến cả năm 2020 sẽ tăng khoảng 5,0 – 6,0% so với năm 2019, do tốc độ tăng trưởng chăn nuôi quý IV có xu hướng tăng trưởng cao. Mặt hàng thịt lợn cũng đang tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tổng số lợn tháng 11/2020 tăng 7,6% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459,3 nghìn tấn, tăng 3,9% so với năm 2019.
Đối với sản xuất thủy sản, tổng sản lượng năm 2020 đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2019 và đạt 98,2% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng tôm ước đạt khoảng 910 nghìn tấn, tăng 10,38% so với năm 2019; sản lượng cá tra ước đạt 1,5 triệu tấn, tương đương năm 2019.
Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT), từ nay đến hết năm 2020 sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm trong các thời điểm mua sắm Tết, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thu nhập của người dân cuối năm cũng thường tăng. Các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng, dự báo nhu cầu sẽ tăng cao trong những ngày 30, 31/01/2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và là ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7/2/2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch). Sức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5 – 10% so với bình quân (nhu cầu thịt các loại khoảng 250 – 350 nghìn tấn/tháng, khoảng 1- 1,7 tỉ trứng gia cầm. Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm. Tuy nhiên, do hậu quả của đợt bão, lũ vừa qua nên việc phục hồi đàn vật nuôi tại một số địa phương có thể sẽ gặp khó khăn, triển khai chậm. Đồng thời dòng chảy vận chuyển giao thương giữa các khu vực cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định, nên hàng hóa tại một số nơi có thể thiếu trong một số thời điểm nhất định.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, việc đảm bảo cho người dân có cái Tết no đủ, an toàn cần sự phối hợp của tất cả các Bộ ngành, trong đó vai trò của Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT là hết sức quan trọng. Mặc dù nguồn cung thực phẩm được dự báo là không thiếu. Tuy nhiên, các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ gây biến động bất thường. Do đó, sự phối hợp giữa 2 Bộ phải cần phải được duy trì liên tục, thường xuyên, kịp thời có phương án xử lý hiệu quả nhất.
Quốc Cường