Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023 tại Thành phố Buôn Ma Thuột đã được các Công ty lữ hành khai thác du lịch, lên lịch 42 tour cho du khách trải nghiệm một sự kiện văn hoá có một không hai ở Việt Nam.
“Các chương trình, tour du lịch trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch đã được các doanh nghiệp đăng ký khai thác với 42 tour”, đây là thông tin của đồng chí H’ Yim Kđoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng ban lễ hội cho hay. Địa phương này cũng đang rà soát đánh giá tiến độ thực hiện các nội dung, hoạt động của Lễ hội.
Tính đến ngày 2/3, đã có 12 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đăng ký xây dựng 42 chương trình, tour du lịch trong thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 10-14/3/2023. Nhằm giúp khai thác tối đa các hoạt đọng và văn hoá trong dịp lễ hội cà phê, Ban tổ chức lễ hội đã giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đăng tải thông tin về chương trình tour du lịch trên trang thông tin và trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để người dân, du khách, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết, đăng ký tham gia.
Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú chấp hành nghiêm chỉnh về phí thuế, giá đảm bảo sự hài lòng của khách hàng. Ngoài ra tăng cường thông tin, quảng bá, giới thiệu chương trình tour du lịch trong thời gian diễn ra lễ hội đến người dân và du khách.
Du khách đăng ký 42 tour được khai thác do 12 công ty du lịch, lữ hành khai thác sẽ hoà mình vào các hoạt động như: Lễ khai mạc, Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê, Lễ hội đường phố, Hội thi Nhà nông đua tài, Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản, Lễ hội ánh sáng; Ngày hội cà phê miễn phí…. Ngoài ra còn có các Hội nghị kết nối giao thương quốc tế, Hội thảo phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao, triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam – hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới” và triển lãm chuyên đề “Lịch sử cà phê thế giới”, Lễ bế mạc.
Cùng với đó, du khách sẽ tham quan mô hình trồng sầu riêng tại huyện Cư M’gar và mô hình sản xuất, chế biến cà phê tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, một số khu/điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk như: buôn Ako Dhong, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Bảo tàng Thế giới cà phê, Khu Du lịch sinh thái Ko Tam
Hiện tại, cơ sở vật chất của Thành phố Buôn Ma Thuột đã sẵn sàng cho ngày khai mạc lễ hội cà phê lần thứ 8. Đến nay có 365 cơ sở đăng ký tham gia phục vụ cà phê miễn phí. Trong đó có 319 cơ sở phục vụ miễn phí 01 ngày, các cơ sở còn lại phục vụ từ hai ngày trở lên.
Ngoài ra, phố cà phê tại tuyến đường Phan Đình Giót, phường Tân Tiến có 04 các gian hàng lưu động phục vụ cà phê miễn phí trong 05 ngày.
Nhân dịp này, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã khành thành và đưa Buôn Akŏ Dhông vào thực hiện mô hình điểm về du lịch cộng đồng. Buôn Akŏ Dhông được nhận định là ngôi làng đẹp nhất ở Đắk Lắk hiện nay. Buôn nằm trải dài trên diện hơn 62ha với 247 hộ gia đình. Trong buôn vẫn còn tồn tại 32 ngôi nhà dài truyền thống cùng nhiều bộ cồng chiêng, nhạc cụ, nghệ nhân, đội văn nghệ và các ngành nghề truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy qua nhiều thế hệ.
Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023, tỉnh Đắk Lắk dự kiến đón khoảng 50.000 du khách tham gia trực tiếp lễ hội. Tính đến chiều 01/3 đã có 37 đoàn khách quốc tế với 229 người xác nhận tham dự. Có nhiều đoàn là Đại Sứ quán và Tổng lãnh sự đang hoạt động tại Việt Nam và hai đoàn nghệ thuật tỉnh Champasak (Lào), Jeollabuk (Hàn Quốc) đã đăng ký tham gia.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội, ông Nguyễn Tuấn Hà đề nghị tuỳ theo chức năng nhiệm vụ, các sở, ban, ngành triển khai nhiệm vụ được giao đảm bảo an toàn cho du khách đến trong, trước và sau khi lễ hội diễn ra. Qua đó, nâng tầm của lễ hội cà phê, trở thành sự kiện văn hoá, ẩm thực của Việt Nam và thế giới.
Mai Chiến