Bà Đặng Mỹ Châu – Phó tổng giám đốc Viet Lotus cho biết, hiện nay các trường đại học mỗi năm cho ra đời khoảng 50.000 kỹ sư CNTT nhưng thực tế trên thị trường cần khoảng 500.000 kỹ sư ngành này.
Dẫn chứng một nghiên cứu của tổ chức Wiley (Mỹ) liên quan đến khoảng cách về kỹ năng số trong khối APEC, đào tạo và giáo dục chính là lĩnh vực có mức chênh lệch về kỹ năng số cao nhất giữa các quốc gia với tỷ lệ 45,6. So sánh với các nước trong khu vực, nếu Singapore được xếp hạng số một về kỹ năng số, đạt 7,8 trên thang điểm 10 thì Việt Nam đạt 5 điểm, đứng ở vị trí 53.
Cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực số
Nhận định trong nền kinh tế số ở tương lai, lực lượng lao động sẽ có sự xê dịch và thay đổi, để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, tiến đến nền kinh tế số, cần chú trọng xây dựng đại học số. Theo đó, đại học số sẽ cá nhân hóa chương trình học tập, sinh viên sẽ học theo khả năng và học theo sự yêu thích của bản thân.
Thực tế, công nghệ ngày càng phát triển cho phép con người tương tác với nhau ngày càng hiệu quả hơn. Gia tăng tốc độ sử dụng cloud và di động tạo ra sự nhanh chóng trong việc học tập và đào tạo.
Để triển khai tốt được các mô hình đại học số thì việc thu hút các nguồn lực để đầu tư trang thiết bị. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần thiết kế lại các chính sách, cơ chế đầu tư và thu hút đầu tư cho giáo dục đại học, thay vì đầu tư vào cơ sở vật chất, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến kỹ thuật, cũng như liên quan đến các chương trình học có nội dung số hóa và đường truyền thiết bị.
Chính sách nào thu hút đầu tư cho giáo dục số?
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC nhận định: Hiện nay nhân lực công nghệ cao về chuyển đổi số đang trong tình trạng cung rất thiếu so với cầu. Vì thiếu nguồn cung, doanh nghiệp phải cạnh tranh để thu hút nên thu nhập nhân lực ngành này tăng lên đáng kể. Bên cạnh thiếu về số lượng, sinh viên ngành này ra trường vẫn phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Vậy làm sao để có nguồn kỹ sư ra trường chất lượng cao, đó chính là một mục tiêu mà CMC hướng tới.
Thách thức khác đối với đại học số chính là quy trình và con người, chứ không phải công nghệ. Chúng ta không thể đem nguyên chương trình đào tạo truyền thống đưa lên nền tảng số hóa, nhưng thực tế hiện nay cho thấy các nơi đang áp dụng chương trình đào tạo truyền thống dẫn đến gây áp lực cho giảng viên, cho phụ huynh và học sinh.
Học tập đa kênh và không giới hạn giúp các sinh viên có nhiều sự lựa chọn hơn, nhất là các chương trình học không biên giới, kết hợp với các trường nổi tiếng trên thế giới để tạo ra các chương trình độc đáo và tạo sự cạnh tranh trong môi trường.
Trao đổi về chính sách phù hợp dành cho hệ thống đại học công và đại học tư, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Với hệ thống công, cần chính sách để thực hiện tự chủ đại học cho đúng nghĩa, đầy đủ, có chiều sâu, qua đó khai phóng, tháo gỡ những vướng mắc để hệ thống đại học công. Còn với hệ thống các trường đại học tư, quan điểm là hỗ trợ, quan tâm bình đẳng cùng phát triển, trong thời gian tới.
Lê Hà