Trong những phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng. Liệu xu hướng mua ròng của khối ngoại có tiếp tục duy trì trong thời gian tới?
Trong phiên giao dịch đầu tuần (15/6), đã có hiện tượng tăng đột ngột dao dịch của khối ngoại. Lượng giao dịch đột biến của khối ngoại chủ yếu tập trung vào giao dịch thỏa thuận vào phút cuối. Nếu trừ lượt giao dịch thỏa thuận này, khối ngoại lại bán ròng nhẹ, khoảng hơn 120 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận đó trị giá 15.000 tỷ đồng mua cổ phiếu VHM, được thực hiện bởi nhóm đầu tư do quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) dẫn đầu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 6% tại Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM).
Trong thời gian gần đây, dòng tiền ngoại đã quay lại mua ròng, nhưng lượng mua nhỏ giọt, chưa có xu hướng bền vững. Điều này xuất phát từ việc các quỹ ETF được huy động thêm chứng chỉ quỹ. Ngoài ra, khối ngoại đang mua vào các chứng chỉ của các quỹ ETF mới, như VNFIN Lead và VN Diamond.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, từ nay tới cuối tháng 6 chưa có nhiều yếu tố hấp dẫn khối ngoại. “Tính tổng thể, khối ngoại có thể sẽ mua ròng nhẹ trong tháng 6 do TTCK thế giới sẽ cân bằng trở lại sau những phiên áp lực giảm trước đó. Khi trạng thái cân bằng quay trở lại đồng nghĩa với việc các quỹ ETF sẽ có động lực huy động thêm dòng vốn”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, dòng tiền từ khối ngoại nhiều khả năng sẽ đổ mạnh vào TTCK Việt Nam trong quý 3, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn đang thận trọng do lo ngại bùng phát làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai. Dịch bệnh dự kiến được cơ bản kiểm soát trong quý 3 trên toàn cầu, điều này sẽ kích hoạt dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Thứ hai, quý 3 được dự báo là giai đoạn GDP của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác trên thế giới sẽ tăng trưởng ổn định trở lại.
Thứ ba, từ 1/8, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Hiệp định này sẽ mang lại cơ hội lớn cho các ngành như dệt may, thủy sản… Điều này sẽ là động lực cho dòng tiền của khối ngoại quay trở lại TTCK Việt Nam.
Cuối cùng, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã và đang giảm mạnh lãi suất và bơm mạnh tiền vào nền kinh tế để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường và kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ tạo ra dòng vốn giá rẻ tràn ngập trên thị trường, theo đó dòng tiền này sẽ tìm kiếm các tài sản rủi ro, như cổ phiếu… ở các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Nếu dòng vốn khối ngoại đổ mạnh vào TTCK Việt Nam trong quý 3, chắc chắn sẽ hỗ trợ cho thị trường tăng điểm tích cực.
Nguyễn Long