Chuyển tới nội dung

Đa dạng thị trường đồ lễ cúng Rằm tháng Giêng

Cúng rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) là một trong những lễ cúng quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Do đó, thị trường đồ lễ phục vụ cho ngày Rằm tháng Giêng càng trở nên sôi động, nhộn nhịp.

Theo chia sẻ của anh Minh, chủ cửa hàng hoa tươi trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội): “Hiện nay, cửa hàng mình chủ yếu đang bày bán hoa sen hồng và hoa sen trắng. Đặc biệt hoa sen trắng rất hút khách nên số lượng hoa nhập về năm nay cũng khá cao. Nhiều người dân đã đặt hoa sen trắng ở đây từ trước Tết.”

Cũng theo anh Minh, vì hoa sen đầu năm khá ít và cũng là loài hoa không bảo quản được lâu nên để đảm bảo độ tươi và đẹp nhất, cửa hàng anh sẽ cắt hoa sát ngày rằm. Giá hoa sen được bán ra thị trường hiện nay khoảng từ 80.000-120.000 đồng/ bó 10 bông.

Đặc biệt, hoa cúc, hoa bưởi cũng được người dân tìm mua. Hoa bưởi được bán với giá 30.000 đồng/lạng nguyên cành, hoa rời thì 200.000 đồng/kg.

Met-hoa-qua-cung-ram-dat-nhu-tom-tuoi-co-gi-ma-gia-len-toi-hang-trieu-dong-met-3-1598942254-600-width700height525

Mẹt hoa cúng Rằm.

Cùng với các loại hoa, dịch vụ đặt nấu cỗ và giao tại nhà… đang trở nên sôi động trước ngày Rằm tháng Giêng. Ưu điểm của dịch vụ giao cỗ tại nhà là vừa ngon vừa tiện lợi, lại đầy đủ, phù hợp với gia đình bận rộn hoặc chị em phụ nữ còn chưa thông thạo việc làm mâm cỗ cúng. Vì thế, thời gian này các quán ăn hay đầu bếp cung cấp dịch vụ đặt cỗ cúng đã sớm lên thực đơn trên những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để khách lựa chọn và đặt hàng.

Theo khảo sát trên “chợ mạng”, thời điểm này nhiều trang fanpage hay chủ tài khoản facebook cũng đang “chào hàng” và “chốt đơn” đặt các món cúng rằm như chè sen, chè đậu xanh, bánh chưng, cỗ hoa quả… Ngoài những món đồ cúng phổ biến thì dịp rằm tháng Giêng còn có những các sản phẩm đẹp mắt, tính thẩm mỹ cao như bánh trôi nước liên hoa, bánh bao đào tiên với mức giá từ 65.000 – 115.000 đồng/set, mẫu bánh hoa sen có giá 120.000 đồng/ hộp 6 bánh, chậu hoa sen bằng thạch có giá 65.000 – 80.000/sản phẩm.

ram-thang-gien-bgt-1675146913011909480663

Mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng Giêng.

Theo một chủ cửa hàng nhận làm cỗ cho biết: “Với những mâm cỗ chay khoảng 5 -7 món sẽ mức giá dao động từ 200.000 – 1 triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách. Ngoài ra, chúng tôi cũng có làm sẵn nguyên liệu, đóng gói hút chân không, khách mua về chỉ việc chế biến làm chín”.

Còn theo chị Hồng Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Năm nay, mặc dù chưa đến ngày rằm tháng Giêng nhưng khách đến mua hàng đông hơn do không còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giá thực phẩm những ngày này sẽ cao hơn một chút, nhưng không đáng kể. Xôi, chè giá giao động từ 30.000 – 50.000 đồng/đĩa; Bánh chưng giao động từ 50.000 – 60.000 đồng tùy vào kích thước”.

Bên cạnh mâm cỗ cúng, mặt hàng thực phẩm, trái cây… vàng mã cũng là mặt hàng đang tiêu thụ tốt. Sau Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng đối với người Việt, nhiều người dân quan niệm “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Thế nên trong ngày này, người dân cũng mong muốn chuẩn bị mâm cơm cúng chu đáo, đầy đủ với mong muốn một năm mới bình an, tài lộc.

Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng:

Vào ngày Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu), các gia đình thường làm hai lễ, một là cúng Phật, thần linh và hai là cúng gia tiên.

Lễ cúng Phật thường đơn giản với mâm cỗ chay thanh đạm cùng hương hoa đèn nến. Trong mâm cỗ cúng Phật thường có bánh trôi với ý nghĩa mong ước mọi việc được hanh thông, trôi chảy trong năm. Mâm cỗ chay thường có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trăng (thủy), và vàng (kim). Nguyên liệu cho mâm cỗ chay là các món được chế biến từ rau củ xào hoặc luộc, có thể có thêm bánh trôi nước với mong muốn cả năm mọi việc đều trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, thường bao gồm 10 món được xếp xung quanh nhau tạo thành vòng tròn. Mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa hoặc có thể nhiều hơn. Trong đó 4 bát gồm: Bát măng hầm, bát bóng thả, bát miến, bát mọc, 6 đĩa gồm: Thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và nước chấm.

Những món ăn trong mâm cỗ cũng thể hiện những ước mong riêng của người Việt như: Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; Thịt lợn đã qua chế biến thuộc về âm, còn dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương kết hợp hài hòa tượng trưng cho sự phát triển.

Ngoài ra, trong mâm cỗ cúng còn có thêm cơm tẻ là lương thực ăn hàng ngày. Mâm cỗ có cả nếp lẫn tẻ, có âm có dương đầy đủ để sinh sôi nảy nở. Bên cạnh đó, mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các loại vị. Vị mặn từ nước chấm, vị cay từ ớt, vị chua của đĩa dưa hành muối, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên một mâm cỗ đủ đầy phong vị để cầu mong an lành trong năm mới.

Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved