nga-san-sang-giup-viet-nam-san-xuat-vac-xin-covid-19-campuchia-co-ca-mac-bien-the-moi

Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Việt Nam đã sản xuất lô vaccine Covid-19 Sputnik-V thí nghiệm đầu tiên

Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) cho biết, đơn vị này đã gia công và đóng ống 30.000 liều vaccine Covid-19 Sputnik-V đầu tiên, trong đó có 10.000 liều được gửi sang Nga để kiểm định tiêu chuẩn chất lượng.

Dự kiến, trong tuần này, phía Nga sẽ nhận được lô vaccine trên 20.000 liều vaccine còn lại đang bảo quản tại Việt Nam và được các chuyên gia tiến hành kiểm định song song.

Theo đại diện của Vabiotech, thời gian kiểm nghiệm chất lượng lô vaccine này là khoảng 30 ngày. Nếu vaccine bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, hai bên sẽ ký kết biên bản thỏa thuận, chính thức gia công tại Việt Nam, dự kiến 5 triệu liều vaccine/tháng..

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech, cho biết rất vui khi được làm việc với RDIF để đưa Sputnik V đến Việt Nam nhằm đẩy lùi đại dịch. “Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm vaccine Covid-19 chất lượng cao, giá cả phải chăng cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á”, ông Đạt nói

Bên cạnh đó, ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành RDIF cho biết thêm: “RDIF và Vabiotech đang tích cực hợp tác trong quá trình chuyển giao công nghệ để giúp người dân Việt Nam tiếp cận với Sputnik V dễ dàng hơn”.

Đồng thời, vì đại dịch vẫn chưa kết thúc và biến thể Delta mới, nguy hiểm hơn đã xuất hiện ở những khu vực khác nhau, do đó, RDIF đang tăng tốc sản xuất Sputnik V để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bằng một trong những loại thuốc tốt nhất trên thế giới.

Không chỉ sản xuất gia công, đóng ống vaccine, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại diện phía Liên bang Nga cũng ủng hộ chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik-V cho Việt Nam.

Nga_0

Vaccine Sputnik V của Nga mang đến hiệu quả bảo vệ khoảng 90% trước biến chủng Delta

Trước đó, Bộ Y tế đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V. Đây cũng là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Trong bản đánh giá thực dựa trên dữ liệu của 3,8 triệu người, vaccine Sputnik-V đạt hiệu quả 97,6% trong việc ngăn chặn COVID-19. Tỷ lệ trên cao hơn so với mức 91,6% vốn được công bố trong báo cáo kết quả cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet hồi tháng 3 năm nay.

Đồng thời, ông Denis Logunov, Phó Giám đốc Viện Gamaleya ở Moscow, cho biết vaccine Sputnik V mang đến hiệu quả bảo vệ khoảng 90% trước biến chủng Delta. Theo Thông tấn xã TASS, các chuyên gia Nga đã rút ra số liệu trên sau khi phân tích dữ liệu y tế và số người tiêm vaccine. Thậm chí kết quả khảo sát ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lại cho thấy hiệu lực lên đến 97,8%, dựa vào ít nhất 81.000 trường hợp tiêm vaccine của Nga ở nước này. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga cho hay Bộ Y tế UAE đã xác nhận số liệu trên.

Loại vaccine này cũng được chứng minh là đủ an toàn và hiệu quả, không để lại tác dụng phụ lâu dài và tình trạng dị ứng. Các liều được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, trong tủ lạnh thông thường, không cần đến hệ thống trữ đông phức tạp. Giá mỗi liều khoảng dưới 10 USD.

Hiện nay, vaccine Sputnik V đã được đăng ký ở 68 quốc gia trên thế giới với tổng số dân là 3,7 tỷ người. Vaccine Sputnik V dựa trên công nghệ vector, sử dụng virus vô hại đưa protein của virus vào tế bào người với 2 mũi tiêm, cung cấp cho hệ miễn dịch khả năng chịu đựng lâu hơn so với các loại vaccine sử dụng cơ chế tương tự với 2 mũi tiêm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam đã tăng cường đàm phán, thảo luận với nhiều nhà sản xuất vaccine trên thế giới để phát triển năng lực sản xuất vaccine. Cụ thể, các cơ quan chức năng đang đàm phán với Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 mRNA (Vaccine này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao (dựa trên kết quả thủ nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2), có nhiệt độ bảo quản 20C – 80C, hiện tại vaccine đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2).

Dự kiến, nhà máy sản xuất sẽ được đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm dự định bắt đầu sản xuất từ quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.

Ngoài ra, công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) đã hỗ trợ liên hệ với Công ty sản xuất vaccine của Nhật Bản theo công nghệ tiên tiến. Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Cẩm Anh