Theo thống kê, từ đầu tháng 10, khi TP.Hồ Chí Minh nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã có hơn 9.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Trước đó, tại họp báo chiều 7/10, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết việc sản xuất kinh doanh tại thành phố ngày càng thuận lợi, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Từ 1/10-3/10, có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, đến 6/10 tổng số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 9.200 doanh nghiệp. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước 1/10 có 288.000 lao động chỉ có khoảng 70.000 lao động làm việc, chiếm tỷ lệ 24,3%; Số doanh nghiệp hoạt động là 746/1.412 doanh nghiệp, tỷ lệ 52,8%. Đến 6/10 có 164.000 lao động làm việc, số doanh nghiệp lên 972/1.412, đạt tỷ lệ 68,8%.
Ở khu công nghệ cao, trước 1/10 có 20.000/50.000 lao động làm việc, qua 6 ngày có 27.300 công nhân hoạt động trở lại, chiếm 54,6%. Có 88/188 doanh nghiệp hoạt động.
Các hoạt động ở cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu chế xuất, khu công nghiệp đã tiếp tục thu hút nhiều lao động sau khi nới lỏng giãn cách. “Tuy nhiên hiện nay số lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ đạt 56,8%, khu công nghệ cao đạt 54,6%. Đó là bài toán lớn đối với thành phố khi nhiều người lao động về quê theo nguyện vọng”, ông Hải đánh giá.
Cũng theo ông Hải, TP luôn trân trọng, ghi nhận đối với những người lao động bởi họ là người tạo ra của cải vật chất, tăng cường ngân sách cho thành phố và thành phố cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động ở lại TP.
Phóng viên cho hay, trước đó ngày 4/10, TP.HCM đã ghi nhận 16 quận, huyện và thành phố Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch theo Quyết định 3979/QĐ-BYT, đến nay có thêm 3 đơn vị nữa là Quận 4, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn.
Liên quan đến các gói hỗ trợ cho người dân, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay TP đã chi hỗ trợ cho hơn 2,3 triệu người. Trong đó, 3 quận có tỷ lệ chi trả cao nhất, đạt trên 90% là Phú Nhuận, quận 5 và quận 1. Với tiến độ này, từ nay đến cuối tuần, các quận, huyện tại TP.HCM sẽ vượt trên 50% và hoàn thành nhiệm vụ chi trả.
Trước đó ngày 1/10, TP.HCM đã có văn bản gửi đến UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh đề nghị các tỉnh thống nhất phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thuận lợi di chuyển giữa thành phố và các tỉnh để khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn, kèm theo phương án di chuyển.
Đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã nhận góp ý của các tỉnh và đang hoàn chỉnh phương án theo góp ý. Tuy nhiên, do yêu cầu của các tỉnh khác nhau về điều kiện y tế, vaccine, xét nghiệm… đến giờ này chưa thể thống nhất phương án đi lại chung giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang hoàn chỉnh theo hướng xây dựng phương án đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và từng tỉnh cụ thể. Dự kiến, trong ngày 8/10 sẽ có phương án đi lại cụ thể cho người lao động và các đối tượng khác”, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho hay.
Thanh Thanh