Loại tư bản này không khác về bản chất so với các loại tư bản từng có như tư bản công nghiệp, tư bản tài chính, tư bản năng lượng. Chỉ có điều, nó là đại diện cho thời đại mới, có quyền năng quyết định tất cả.

3--Facebook

Cuộc chiến giữa chính phủ và các BigTech khiến tương lai của các tỷ phú công nghệ trở nên khó lường hơn bao giờ hết.

Mối đe dọa từ BigTech

Những ngày đầu năm 2021, những người ủng hộ ông Donald Trump đã bạo loạn chiếm cứ điện Capitol. Ngay lập tức, Facebook, Instagram, Twitter đã “bịt miệng” Tổng thống Mỹ bằng cách khóa tài khoản mạng xã hội.

Như vậy, mạng xã hội đã “nổ súng” tuyên chiến với giá trị dân chủ được tôn sùng và tự hào bậc nhất trong hệ giá trị Mỹ “tự do ngôn luận”. Động thái này góp phần lái nước Mỹ sang hướng khác, được thấy rõ sau hơn 1 năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden. Hạ nghị sĩ Mỹ Cicilline nói rằng: “Chúng ta dường như không thể kiểm soát được các BigTech, vì họ có quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế của chúng ta”.

Sau đó, BigTech trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi toàn cầu. Dù thuật toán và AI mới khai mở nhưng dường như nó đang nằm ngoài quyền kiểm soát của luật pháp. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã ra tay chặn đứng BigTech.

Những phiên bản cùng “phả hệ” tại Trung Quốc chưa tỏ ra hỗn xược, song chính quyền nước này đã nhận ra mối đe dọa và thẳng tay với Alibaba, Tencent, Ant,… – những đế chế bao quát toàn bộ đời sống 1,3 tỷ người dân Trung Quốc.

Chặn tư bản kiểu mới

Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà các BigTech ảnh hưởng trực tiếp đến mọi thứ. Chúng “biết” rõ tất cả, điều khiển hành vi, thói quen tiêu dùng, ăn uống; đả động đến thượng tầng kiến trúc, uốn nắn quyết sách chính trị, đến nỗi từ công dân chân trần đến chính khách hàng đầu- không ai ngoại lệ.

Facebook, Google, Youtube, Amazon ở phương Tây; Alibaba, Tencent, ByteDance ở phương Đông,… không chỉ là những doanh nghiệp đơn thuần, mà chính là “tư bản kiểu mới”, dùng dữ liệu với vai trò là “tư bản” để tạo ra giá trị thặng dư.

4--Alibaba

Trung Quốc dễ dàng khuất phục các BigTech bằng thiết chế nhà nước toàn năng.

Một khảo sát cho thấy 78% người Mỹ tin rằng mạng xã hội có thể tác động đến bầu cử. Ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ một phần nhờ… sức mạnh mạng xã hội, nhưng ông không cảm thấy thoải mái bởi một ngày đẹp trời nào đó, tư bản dữ liệu cũng có thể hạ bệ Tổng thống bằng quyền lực riêng của nó.

Ngay sau lễ nhậm chức, ông Joe Biden mở cuộc tấn công mạng xã hội bằng ý tưởng chia nhỏ BigTech, kiểm soát các giao dịch M&A; tăng thuế đối với hoạt động của các BigTech trên phạm vi toàn cầu. Nhưng điều đó chẳng dễ chút nào cho Nhà trắng.

Trung Quốc với cơ chế chính trị khác phương Tây, đã dễ dàng khuất phục các BigTech bằng thiết chế nhà nước toàn năng và mệnh lệnh tối cao của đảng Cộng sản.

Cuộc chiến không phân thắng bại

Theo luật chơi mới tại Trung Quốc, giờ đây thay vì xem “người sáng lập” BigTech là ông chủ tối thượng, việc thực hiện trách nhiệm chính trị mới là chiến lược phát triển khôn ngoan.

Nhưng ở Mỹ thì khác, “bộ tứ” BigTech từng điều trần trước Quốc hội bằng các lập luận vừa thông minh, vừa thách thức, như Mark nói “Facebook là quốc gia đông dân nhất hành tinh với 2,5 tỷ người”.

Còn Châu Âu cũng đã đưa ra quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) giúp công dân khối này có tiếng nói mạnh mẽ hơn về dữ liệu của họ được các BigTech sử dụng. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu vừa đưa ra dự luật dịch vụ kỹ thuật số quy định các BigTech phải gỡ bỏ nội dung độc hại và bất hợp pháp…

Dưới góc nhìn triết học biện chứng, Bigdata và tư bản dữ liệu là “cái mới tất yếu nảy sinh”, tiên tiến và hoàn thiện hơn, có tính kế thừa “cái cũ”, đó là phủ định biện chứng. Điều đó cũng có nghĩa không phụ thuộc vào ý muốn của con người.

Như vậy, các chính phủ không thể “dập tắt” tư bản dữ liệu, mà chỉ có thể “gò” chúng lại theo khuôn mẫu nhất định. Phương thức quản lý này từng diễn ra trong các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Cuộc chiến này không thể xác định bên thắng cuộc, bởi vì cả tư bản dữ liệu và Nhà nước pháp quyền đều không ai được phép biến mất, cần nhau để tồn tại. Những thực thể này rồi sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để hình thành “tư bản dữ liệu nhà nước”.

Trương Khắc Trà