Tập đoàn CMC vừa khai trương trung tâm dữ liệu (TTDL) rất hiện đại. Những ông lớn như Amazon (Mỹ) hay NTT (Nhật Bản) cũng có kế hoạch xây dựng TTDL tại Việt Nam, cho thấy sức nóng của cuộc đua này.
Vào ngày 15/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận vừa được khai trương tại Khu chế xuất Tân Thuận. Theo thông tin ghi nhận, đây vừa là trung tâm dữ liệu, vừa là hạ tầng điện toán đám mây hiện đại và an toàn bậc nhất Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp.
Kế hoạch xây dựng CMC Data Center Tân Thuận được đưa ra từ năm 2019. Sau hai năm triển khai, trung tâm được ra mắt với diện tích 13.000 m2 và vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được B-Barcelona Singapore thiết kế.
CMC không phải là cái tên duy nhất chú ý đến thị trường trung tâm dữ liệu ở Việt Nam. Trước đó cũng có nhiều cái tên sừng sỏ có ý đặt trung tâm dữ liệu ở Việt Nam.
Chẳng hạn Amazon, một cái tên nổi tiếng với mảng thương mại điện tử nhưng thực tế lợi nhuận phần lớn đến từ dịch vụ điện toán đám mây AWS của mình. Thời điểm cuối tháng 3/2022, Amazon công bố sẽ chọn Hà Nội làm một trong 10 địa điểm xây dựng 10 trung tâm dữ liệu tại 6 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.
Kế hoạch của Amazon là xây dựng trung tâm dữ liệu địa phương (local data center), có quy mô nhỏ hơn so với trung tâm dữ liệu “chuẩn” (mega data center) của họ. Bù lại những trung tâm dữ liệu địa phương sẽ phục vụ khách hàng địa phương tốt hơn vì tốc độ truyền tải nhanh hơn và độ trễ thấp hơn. Từ đó có thể giúp Amazon củng cố vị thế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tập đoàn viễn thông NTT (Nhật Bản) cũng có kế hoạch tương tự. Cuối tháng 4/2022, tập đoàn này thông báo đầu tư 56 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu đạt chuẩn tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Nếu hoàn thành thì đây chính là trung tâm dữ liệu đạt chuẩn lớn nhất Việt Nam. Khi đó các doanh nghiệp lớn như Google hay Amazon sẽ sử dụng dịch vụ dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp lần lượt nối đuôi nhau thông báo về các dự án trung tâm dữ liệu cho thấy tầm quan trọng của dịch vụ này.
Các trung tâm dữ liệu địa phương có thể không có năng lực xử lý và quy mô lớn như trung tâm dữ liệu chính. Tuy nhiên như đã nói ở trên, vì đặt tại địa phương, “gần” khách hàng địa phương hơn, nên chúng có thể truyền dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn.
Lợi thế này cực kỳ phù hợp với khách hàng Châu Á. Vì ngoại trừ các thị trường lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ, thì đa phần khách hàng là những công ty không quá lớn. Họ không cần trung tâm dữ liệu mạnh, lớn, mà cần nhanh và độ trễ thấp để họ xây dựng các dịch vụ game, thương mại điện tử hoặc streaming. Vậy nên trung tâm dữ liệu địa phương là phù hợp nhất.
Các trung tâm dữ liệu được xây dựng liên tiếp cũng cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy tên miền “.vn” đạt đến con số 544.362, trở thành 10 nhóm tên miền quốc gia có số lượng đăng ký lớn nhất Châu Á. Đồng thời ở Việt Nam, tổng số lượng tên miền quốc tế lẫn quốc gia đang hoạt động là 1,5 triệu, cho thấy các doanh nghiệp dần nhận thức sự quan trọng của tên miền và website. Hay nói cách khác, nhu cầu sử dụng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang phát triển mạnh.
Quay trở lại với ba dự án trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, mặc dù xét về vị thế, Amazon và NTT có thể lớn hơn CMC, tuy nhiên với quy mô của CMC Data Center Tân Thuận, các nhà cung cấp Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn nước ngoài.
Quân Bảo