Sinh ra tại “vạch đích” nhưng ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch HĐQT Công ty Vật liệu xây dựng Secoin; Phó Chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu TP HCM không chọn con đường bằng phẳng, mà dấn thân vào thương trường với những lựa chọn táo bạo, sẵn sàng đánh đổi.

“Canh bạc” đầu tiên

Cha của ông Hồng Kỳ là GS. Đinh Xuân Bá. GS. Đinh Xuân Bá từng là Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Tin học của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1989, GS Bá khiến cả giới khoa học xôn xao khi rẽ ngang sang kinh doanh.

dinh-hong-ky-2

Sinh ra tại “vạch đích” nhưng ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch HĐQT Công ty Vật liệu xây dựng Secoin; Phó Chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu TP HCM không chọn con đường bằng phẳng, mà dấn thân vào thương trường với những lựa chọn táo bạo, sẵn sàng đánh đổi.

Công ty Dịch vụ và Tư vấn về tin học (gọi tắt là Secoin), theo Quyết định số 01/QĐTL của Hội Tin học Việt Nam ra đời. GS. Đinh Xuân Bá làm Giám đốc. Công ty có tới… 22 cổ đông, chung tay góp 4.290 USD. Trụ sở Công ty mượn của người nhà tại số 9 – Dã Tượng, Hà Nội.

Ngành nghề kinh doanh chính được đăng ký của Công ty là cung cấp thiết bị, sản phẩm, dịch vụ tin học, nhưng ông Bá kể, suốt giai đoạn 1989 – 1994, Công ty kinh doanh đủ thứ, miễn là nhìn thấy cơ hội sinh lời.

Năm 1992, hơn nửa năm sau khi Luật Công ty có hiệu lực, ông tạo ra một bước ngoặt cho Secoin khi chuyển đổi thành Công ty TNHH Dịch vụ – Thương mại và Đầu tư Secoin, là một trong những công ty TNHH đầu tiên của Việt Nam với vốn điều lệ 552,4 triệu đồng.

Về phía doanh nhân Đinh Hồng Kỳ, năm 1990, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông Kỳ được “dọn” sẵn cho con đường sang Nga học Tiến sĩ – ao ước của nhiều người lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, ông đã tự chọn cho mình thử thách khi quyết định sang Ba Lan tự lập hoàn toàn, bắt đầu từ con số 0.

Tại đây, ông vừa làm việc cho Thương vụ Việt Nam, vừa chạy “chân ngoài” với đủ ngành nghề kinh doanh, như mua bán máy tính từ Ba Lan sang Nga, đổi hàng lấy dây cáp điện từ Nga về Việt Nam, gom hàng dệt may trong nước xuất sang châu Âu,… để tích luỹ vốn.

Sau 5 năm với những thành công nhất định tại Ba Lan, ông Kỳ lại một lần nữa đưa ra lựa chọn táo bạo và đầy rủi ro: trở về Việt Nam, từ bỏ biên chế nhà nước để kinh doanh vào đúng thời điểm đất nước mới mở cửa.

Về đầu quân cho Secoin – công ty do chính gia đình mình sáng lập, đang hoạt động ổn định trong lĩnh vực tư vấn và chuyển giao công nghệ từ quốc tế về Việt Nam, ông Kỳ cũng không bằng lòng với “miếng bánh” đã được “nướng” sẵn này.

Nhiều năm sống và làm việc tại nước ngoài, nhận thấy công nghệ sản xuất vật liệu không nung đang phát triển mạnh trên thế giới nhưng còn quá sơ khai ở Việt Nam, ông Kỳ muốn đưa Secoin trở thành đơn vị tiên phong phát triển trong lĩnh vực này.

Vậy là, năm 90, ông Kỳ lập kế hoạch sản xuất vật liệu không nung đầu tiên tại Hà Nội. Ai cũng cho rằng ông đã có một lựa chọn rủi ro. Gia đình khi đó lo ngại rủi ro khi sản xuất là công việc gai góc, chi phí R&D cao, đòi hỏi nhiều nhân công, là khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị nên mang lại lợi nhuận thấp, đó là còn chưa kể khi sản xuất ra không tìm được đơn vị kiểm định, đo lường chất lượng… Nhưng cuối cùng, sự quyết tâm của ông Kỳ đã thuyết phục được gia đình.

Tuy nhiên, cú bơi ngược dòng của ông Kỳ dường như gặp nhiều trắc trở khi khi đó người dân xây nhà đều sử dụng gạch nung, sản phẩm của ông làm ra không bán được.

Mùa thu năm 1995, ông Kỳ và một đoàn phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã gặp Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để trao đổi về việc phát triển ngành vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam.

Sau đó, đoàn xuống quay phim nhà máy sản xuất gạch block không nung đầu tiên của Việt Nam đặt tại Phủ Lý – Hà Nam do Secoin cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ.

Sau 15 phút phát sóng chương trình, ông Kỳ nhận được một cuộc điện thoại từ nhà thầu xây dựng Mitsui Construction (Nhật). Mitsui cho biết họ đang xây dựng khách sạn 5 sao Horison (nay đổi tên là Pullman Hanoi).

Theo thiết kế, công trình phải sử dụng gạch block bê tông nhưng Mitsui đã tìm cả Hà Nội lẫn các vùng lân cận mà không tìm ra. Và Mitsui trở thành khách hàng đầu tiên của Secoin.

Từ đó, gạch block Secoin đã được nhiều công trình trên cả nước sử dụng. Secoin cũng đã cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ cho nhiều nhà máy sản xuất gạch block không nung.

Là người khởi xướng và phát triển những viên gạch không nung tại Việt Nam, ông Kỳ được người trong giới mệnh danh là “vua gạch không nung”.

“Có những ngày tôi cảm thấy kiệt sức”

“Tôi một lòng tin tưởng vào xu thế của vật liệu không nung, tôi muốn chớp thời cơ khi mọi người còn đang dè dặt. Hơn thế, tôi muốn có sản phẩm mang dấu ấn riêng của Secoin, muốn tạo giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp và mang lại giá trị cao hơn cho xã hội nên rất quyết tâm. Nhờ vậy, gia đình tôi mới đồng thuận dồn sức cho dự án này”, ông Kỳ chia sẻ tại chương trình CEO – Chìa khoá thành công.

Sau gần 10 năm nỗ lực để nắm chắc công nghệ; đưa ra thị trường sản phẩm đa dạng; xây dựng đội ngũ nhân sự, Secoin đã vươn lên vị trí top đầu các doanh nghiệp vật liệu xây dựng khu vực phía Bắc, xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài và nhận được nhiều giải thưởng cao quý.

Khi đang có thành công nhất định tại Hà Nội, năm 2002, ông Kỳ lại “liều lĩnh” tiến quan vào thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không phải lúc nào tinh thần thiện chiến này cũng mang lại thành công. Trong suốt nhiều năm đi lại giữa 2 miền Nam Bắc, công việc kinh doanh tại TP HCM vẫn dậm chân tại chỗ, sản phẩm tiêu thụ chậm, thương hiệu không được thị trường chấp nhận.

Sau nhiều tháng trăn trở với bài toán thị trường miền Nam, ông Kỳ nhận ra và thừa nhận sai lầm: “Tôi đã tính sai nước cờ khi mang tư duy và cách làm của người miền Bắc vào áp dụng cho thị trường miền Nam. Để thành công chinh phạt miền đất này, tôi nhận ra cần phải thấu hiểu nó, trở thành một phần của nó, gắn bó với nó. Nhiều đêm trăn trở thao thức với bài toán lớn của đời doanh nhân, tôi cân đi đo lại từng bước đi”, ông Kỳ nhớ lại.

Bước vào độ tuổi 50, lại là con trai độc nhất, là một người chồng với gánh nặng gia đình trên vai, sự thay đổi không phải là điều dễ dàng với ông Kỳ. Nhiều người còn nói đánh đổi kinh doanh tại thị trường miền Bắc đang phát triển rất tốt, vững chắc và ổn định để chuyển vào Nam sinh sống và làm việc là một canh bạc được mất với ông.

Sau khi đặt lên bàn cân, tham vọng chiếm lĩnh thị trường của doanh nhân lại một lần nữa chiến thắng. Ông Kỳ cùng vợ con quyết định chuyển vào Nam, rời xa tổ ấm vững chãi ở Hà Nội để chật vật đi tìm nhà thuê, tìm văn phòng, nhà xưởng, tuyển nhân sự, xây dựng các mối quan hệ lại từ đầu.

“Có những ngày tôi cảm thấy kiệt sức”, ông Kỳ hồi tưởng.

Không phụ những cố gắng của ông Kỳ, Secoin dần thu được những tín hiệu khả quan từ thị trường mới, được khách hàng đón nhận và bắt đầu tăng trưởng doanh thu sau 3 năm, trở thành đầu não của toàn hệ thống với đội ngũ nhân sự mạnh nhất, góp phần tăng tổng giá trị tài sản của công ty lên gấp 15 lần.

Cuối năm 2014, ông Kỳ lại quyết định mang gạch không nung tới thị trường miền Trung và cũng phải mất 5 năm “vượt khó”, ông mới có thành tựu.

Nói về bí quyết thành công trong kinh doanh, theo “Vua gạch không nung” Việt Nam, tinh thần dám mạo hiểm thôi chưa đủ mà còn cần có sự đam mê và cái tâm.

Ông từng tâm sự: “Khi mới trở về từ nước ngoài, với nền tảng rất tốt sẵn có, nếu tôi lựa chọn đầu tư bất động sản, ngân hàng hay chứng khoán thì thành công đã đến rất dễ dàng rồi. Nhưng không, tôi lựa chọn gắn bó với những viên gạch có phần thô thiển và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng cho dù có phải trả giá. Với tôi, giá trị quan trọng nhất phải tạo ra từ bàn tay mình chứ không phải thuần túy kiếm tiền từ việc nhập khẩu về để bán hay mua đi bán lại để kiếm lời trên lưng nhau. Tôi không làm doanh nghiệp chỉ để kiếm ra đồng tiền. Tôi không cần hoành tráng, chỉ cần làm gì tốt cho gia đình và công nhân của mình, đừng nợ lương, đừng làm họ khổ, đừng bóc lột đã là khó rồi”.

Đi vào thị trường “ngách của ngách”

Tuy là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất những sản phẩm mới, nhưng bước tiến ngoạn mục nhất mà Secoin có được lại là nhờ gạch bông, loại vật liệu đã tồn tại hơn 100 năm (từ năm 1910) trong lịch sử, xuất hiện ở mọi công trình cổ và quý ở Việt Nam.

secoin

Gạch bông, một trong những sản phẩm nhiều tâm huyết của Vua gạch không nung.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, gạch bông với kỹ nghệ sản xuất thủ công đã dần bị thui chột ở Việt Nam, nhường chỗ cho các loại vật liệu công nghiệp mới như gạch men, đá granite… Nhưng ở nước ngoài, gạch bông vẫn được nâng niu, gìn giữ, thậm chí bán với giá cao như một sản phẩm mỹ nghệ. Như vậy, đây là sản phẩm có khả năng tạo ra được 2 giá trị rất cao: Một là giá trị văn hoá, lịch sử, Đông Tây kết hợp; hai là khả năng chạm tới tầng lớp tinh hoa, đẳng cấp.

“Người giàu là phải dùng đồ handmade, như xe Roll Royce, điện thoại Vertu, giầy đóng riêng, vest may riêng, cho tới viên gạch trong nhà… để thể hiện cá tính riêng và ý thức về mặt văn hoá”, ông Kỳ giải thích.

Nắm được tiềm năng này và tự tin vào khả năng sản xuất của Việt Nam, ông Kỳ quyết tâm sản xuất gạch bông. Dù lúc bấy giờ, thị trường trong nước dành cho gạch bông là “ngách của ngách”, theo như ông Kỳ đánh giá.

“Sau khi nhận thấy tiềm năng của sản phẩm gạch bông, tôi bắt tay vào tìm hiểu thì thấy rằng, viên gạch bông của Việt Nam đẹp hơn rất nhiều vì người Việt vốn khéo léo, tỉ mỉ từ xưa, kỹ nghệ làm gạch bông ở Việt Nam đã xuất hiện hơn 100 năm. Nếu kết hợp với kỹ thuật hiện đại ngày nay thì chúng ta có thể tạo ra những viên gạch đẹp hơn của nước ngoài rất nhiều”, ông Kỳ chia sẻ trên CEO chìa khóa thành công.

Với kinh nghiệm và tiềm lực công nghệ kỹ thuật sẵn có, chỉ sau hơn 1 năm, Secoin đã nâng giá trị xuất khẩu của gạch bông từ mức chỉ 5 USD/m2 lên 25 USD/m2. Tại thị trường bán lẻ Mỹ và châu Âu, gạch bông Secoin được phân phối trong các cửa hàng đồ mỹ nghệ với mức giá lên tới 100 – 150 USD/m2, được tin dùng bởi tầng lớp thượng lưu.

Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về bí quyết cạnh tranh trên những thị trường khó tính nhất thế giới như châu Âu, ông Kỳ chia sẻ: “Sẽ thật khó nếu chúng ta cạnh tranh với thế giới bằng những máy bay, ôtô, máy tính, sắt thép,… Nhưng nếu chúng ta có những thương hiệu lớn cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, điều, mỹ nghệ, gạch bông,… chúng ta sẽ có những giá trị riêng trên toàn cầu. Đừng hướng tới những gì quá to tát mà để đánh mất những cái riêng đó. Trong khi hội nhập với thế giới, điều quan trọng là phải định vị cho chính sản phẩm của Việt Nam.”

Đừng hướng tới những gì quá to tát mà để đánh mất những giá trị riêng. Trong khi hội nhập với thế giới, điều quan trọng là phải định vị cho chính sản phẩm của Việt Nam.

Ông Kỳ cho biết, đối thủ cạnh tranh của Secoin là những doanh nghiệp lớn có truyền thống lâu đời tại các nước như Mexico, Morroco, Chile, Tunisia, Brazil,… Để cạnh tranh với họ, Secoin ý thức được rằng phải đảm bảo chất lượng, thời hạn giao hàng, đưa chất xám vào thổi hồn cho từng sản phẩm, tạo ra kỹ xảo độc đáo để khách hàng có thể cảm nhận sự khác biệt ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tuy nhiên, “vua gạch không nung” luôn cho rằng, đối thủ lớn nhất của Secoin chính là Secoin. Ông tâm niệm, dù doanh nghiệp có lớn đến đâu cũng luôn cần phải vượt qua chính mình để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu thì mới giữ vững vị thế dẫn đầu.