facebook

Facebook và Apple đang có những tranh cãi về vấn đề bảo mật thông tin người dùng

Tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WDC) được tổ chức trực tuyến vào tháng 6/2020, Apple đã thông báo rằng bản cập nhật hệ điều hành iOS 14.5 sẽ cung cấp tính năng minh bạch theo dõi ứng dụng.

Cụ thể, mã Định danh cho nhà quảng cáo (IDFA), vốn thường được các nhà tiếp thị kỹ thuật số sử dụng để tạo dữ liệu cho các chiến dịch quảng cáo trên thiết bị di động. Mỗi thiết bị chạy hệ điều hành iOS đều có một mã IDFA duy nhất.

Dự kiến, sau khi cập nhật hệ điều hành lên IOS 14.5, người đùng sẽ nhận được thông báo để lựa chọn tắt mã IDFA để từ chối việc theo dõi và chia sẻ dữ liệu của bạn trên các ứng dụng mới.

Ngay lập tức, một số công ty, trong đó có Facebook, đã chia sẻ công khai những dự báo rằng sự thay đổi này sẽ làm suy yếu các mạng lưới quảng cáo và gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ sử dụng chúng.

Theo đại diện Facebook, thông báo của Apple được thiết kế để đánh tráo khái niệm giữa quảng cáo được cá nhân hóa và quyền riêng tư, trong khi thực tế là Facebook có thể cung cấp cả hai thứ. “Apple đang làm điều này để ưu tiên các dịch vụ của riêng họ và chạy quảng cáo các sản phẩm mục tiêu”, đại diện Facebook khẳng định.

Có thể thấy, cuộc chiến giữa Apple và Facebook cho thấy sự chia rẽ một cách rõ ràng với một bên thu thập, khai thác dữ liệu người dùng và bên còn lại khi lựa chọn tôn trọng và bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng.

Apple và Facebook có những cách tiếp cận khác nhau đối với quyền riêng tư của người dùng. Càng ngày, Apple đang thực hiện các bước để minh bạch hơn và bảo vệ dữ liệu người dùng, bao gồm cả việc điều chỉnh các nhà phát triển ứng dụng trong hệ sinh thái của họ.

Trong khi đó, Facebook đang gặp khó khăn khi giành được sự tin tưởng của nhiều người dùng khi được cho là công ty ưu tiên nhu cầu của các nhà quảng cáo hơn quyền riêng tư của người dùng do những bê bối của ông lớn này trong quá khứ.

960x0

Trong tương lai, những doanh nghiệp có quan điểm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng sẽ dần chiếm ưu thế

Theo chuyên gia Bernard Marr, cố vấn công nghệ & kinh doanh chiến lược cho các chính phủ và công ty cho biết, hiện nay, thị trường đang dần nhạy cảm với các vấn đề về quyền riêng tư và người dùng toàn cầu muốn các công ty minh bạch hơn. Trên thực tế, người dùng được quyền từ chối cho phép dữ liệu của họ được chuyển giao cho bên thứ ba khả năng cao là họ sẽ luôn lựa chọn từ chối.

“Nếu khách hàng không nhận thấy bất kỳ lợi ích tích cực nào từ việc cung cấp dữ liệu của mình cho phía quảng cáo, họ sẽ từ chối. Và khi phần lớn người dùng chọn yêu cầu ứng dụng không theo dõi, nó sẽ cản trở khả năng phân phối quảng cáo nhắm mục tiêu của các nhà tiếp thị”, ông đánh giá.

Ở thời điểm hiện tại, khoảng 70% người dùng iOS đang chấp nhận chia sẻ dữ liệu của họ. Dự kiến, con số này sẽ giảm xuống còn 10 – 15% sau khi tính năng mới của Apple được giới thiệu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ Apple lựa chọn bảo vệ người tiêu dùng vì họ không phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo như Facebook và Google nên họ có thể làm những gì họ muốn.

Mặt khác, Facebook đang bị hiểu lầm rằng họ sử dụng dữ liệu của người dùng để quảng cáo. Nhưng thực tế là doanh nghiệp này đã không cung cấp cho người dùng bất kỳ chỉ dẫn nào, cũng như không đưa ra bất kỳ lời giải thích về cách thức hoặc lý do nào cho hành động này.

Mặc dù vậy, về lâu dài, giới quan sát dự báo, những doanh nghiệp có các chính sách minh bạch và có quan điểm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng sẽ dần chiếm ưu thế. Các công ty thu thập và chia sẻ dữ liệu cần thông báo chính sách bảo mật một cách minh bạch, dễ hiểu và nêu rõ những dữ liệu nào mà công ty sẽ thu thập và những gì thuộc về người dùng.