Chuyển tới nội dung

Cục Thủy sản gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu khi xin cấp giấy chứng nhận

Cục Thủy sản đề nghị Chi cục Thủy sản và tổ chức quản lý cảng cá các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (giấy SC), giấy chứng nhận thủy sản khai thác (giấy CC) đúng theo quy định.

Thời gian qua, Cục Thủy sản đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản về việc gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác do nhiều chi cục, cảng cá chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành hoặc áp dụng quy định một cách máy móc, cứng nhắc; yêu cầu thêm những nội dung ngoài quy định của pháp luật.

Liên quan đến thông tin này, ngày 28/11, Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết đã có công văn 2437/TS-KTTS về việc tổ chức thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (giấy SC), giấy chứng nhận thủy sản khai thác (giấy CC) gửi Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển và tổ chức quản lý cảng cá.

Tại công văn, Cục Thủy sản đề nghị các đơn vị nói trên nghiêm túc thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản, giấy chứng nhận thủy sản khai thác đúng theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tính pháp lý, chính xác của giấy SC gửi kèm trong thành phần hồ sơ xin cấp giấy CC do đơn vị cấp, ban hành chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan quản lý khác không được yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình tính pháp lý, chính xác của giấy tờ này.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực thủy sản và tiếp tục sửa đổi, bổ sung trước yêu cầu ngày càng cao từ phía EC.

Những quy định mới, những biện pháp tổ chức triển khai thực hiện đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc gỡ thẻ vàng IUU. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện những quy định này tại một số địa phương không đúng quy định đã gây ra không ít khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Cục Thủy sản đã nhận được phản ánh gặp khó của nhiều doanh nghiệp khi xin cấp giấy SC và CC.

Trước đó khi đánh giá về thủ tục cấp giấy tờ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cũng cho rằng, trong quá trình hợp tác với các chủ thể của chuỗi sản xuất, xuất khẩu hải sản để có được đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ xác thực cho mỗi lô hàng, doanh nghiệp hải sản đã gặp phải rất nhiều các khó khăn, bất cập – đặc biệt là liên quan đến giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại các tỉnh, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang châu Âu. Và đây cũng là thực trạng khiến hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân, cũng như giảm đáng kể các dòng hàng sang EU.

Cụ thể, bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C, sự phối hợp của các bên liên quan trong quản lý tàu khai thác, xử phạt vi phạm còn chưa đồng bộ, thống nhất – khiến không ít tàu cá vi phạm ngoài “vùng khơi” chưa cải thiện tích cực.

Do đó, để hạn chế việc tái phạm, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét việc xử lý vi phạm hành chính của các tàu khai thác vùng khơi khi không thực hiện đúng. Bởi thực tế nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT) nên các doanh nghiệp cũng đã không thể được cấp giấy S/C để làm điều kiện xuất khẩu được.

Tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Do đó, có thực trạng, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp. Quy định hiện hành không cho doanh nghiệp được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính mà Ban quản lý cảng cá và chi cục được cấp sử dụng.

Vì vậy, doanh nghiệp lại là chủ thể luôn ở thế bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu khai thác. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C, nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để doanh nghiệp có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu châu Âu. Rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” ảnh hưởng đến thủ tục xin S/C của doanh nghiệp sau khi đã thu mua nguyên liệu.

Theo Tổng thư ký VASEP, để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc theo điều kiện thực tế tại các địa phương trong quản lý khai thác hải sản, thủ tục cấp S/C và khơi thông cho sản xuất, xuất khẩu hải sản, cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan.

Về tiềm năng xuất khẩu thủy sản, việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 cùng với những chính sách cam kết thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ mà tập trung chủ yếu vào việc giảm thuế trong nước và tăng thuế nhập khẩu dự báo mang đến nhiều dự báo mang đến nhiều biến động tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của chính quyền Trump. Với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết”, chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10 – 20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, trường hợp Trung Quốc bị đánh thuế cao sẽ tạo ra khoảng trống, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.

Cùng với cá tra, tôm cũng là sản phẩm được cho là có cơ hội lớn từ bước chuyển lịch sử này của Hoa Kỳ. Cùng với cơ hội lớn cho tôm Việt thay thế sản phẩm từ Trung Quốc, ngoài ra, Trung Quốc, với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế.

Chuyên gia từ VASEP nhận định, chiến tranh thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mặc dù Việt Nam có thể tận dụng một số cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Các biện pháp này có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này. Chính phủ Mỹ dưới thời Trump đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, những đối thủ lớn trong ngành thủy sản.

Minh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved