Tính đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp tổng số 6.997 mã số vùng trồng; cấp 1.613 mã số cơ sở đóng gói cho hơn 20 loại sản phẩm (sầu riêng, chanh leo, bưởi, thạch đen, chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu…).
Năm 2023 là một năm thành công trong xuất khẩu trái cây, trong đó, điểm nổi bật là xuất khẩu sầu riêng với giá trị thu về cho loại trái cây này là 2 tỷ đô la Mỹ. Cùng với đó, nhiều loại trái cây, nông sản của Việt Nam đã đến được những thị trường lớn nhờ đã đàm phán thành công để mở cửa thị trường Mỹ đối với dừa tươi xuất khẩu, ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhận chuyển giao việc giám sát các cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu thay cho việc phải mời chuyên gia nước ngoài.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen… được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đẩy mạnh việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện, chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Cùng với việc phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cũng thực hiện tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; trong đó chú trọng các loại quả chủ lực và các thị trường trọng tâm.
Đơn cử với thị trường Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật thống nhất với Cơ quan Kiểm dịch thực vật của Nhật Bản (MAFF) về yêu cầu nhập khẩu xoài và thanh long của Việt Nam sang Nhật Bản, sử dụng tem mới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản từ 01/8/2023; thống nhất với MAFF về phương án chuyển giao giám sát xử lý kiểm dịch thực vật các loại quả tươi của Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản kể từ tháng 4/2024.
Còn với thị trường Trung Quốc, đơn vị trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối tươi) xuất sang thị trường này; đồng thời tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu.
Liên quan đến xuất khẩu các sản phẩm nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định, các thị trường lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh là cơ hội để giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu nông sản từ nay đến sang năm 2024. Thêm vào đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì hai ngành này cũng sẽ vươn lên, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu hàng nông sản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng thế giới thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam, cùng với đó, đảm bảo nông lâm thủy sản xuất khẩu được chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, có logo, nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia.
Tú Anh