Đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn cho thị trường lao động nhưng cũng là cơ hội tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để hướng tới một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Bộ LĐ-TB&XH mới đây đã đưa ra đề án với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, nhóm giải pháp về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 12/2020 được đặc biệt quan tâm.
“Liệu cơm gắp mắm”
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên.
“Trong điều kiện hiện nay, bộ đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không chỉ phần trăm số lượng lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, sẽ không khống chế tỉ lệ 50% đối với doanh nghiệp mà việc này áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Ngọc Dung, với tác động, đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này và 150.000 – 200.000 doanh nghiệp với kinh phí từ 25.000 – 49.000 tỉ đồng.
Nếu đề xuất này được thông qua, các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Với khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay, ước tính số tiền tạm ngừng đóng sẽ là 12.800 tỉ đồng. Vì vậy, đây đươc đánh giá là chủ trương rất lớn trong hỗ trợ cắt giảm chi phí cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19.
Đánh giá về hai nhóm giải pháp này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, cần hết sức cân nhắc các biện pháp sao cho phù hợp, đúng đối tượng, không nên cào bằng.
“Chính phủ cần làm việc với các doanh nghiệp trụ cột, các hiệp hội ngành nghề, các lĩnh vực khác nhau… để nắm bắt khó khăn của từng ngành, từ đó mới có những biện pháp phù hợp, đúng đối tượng. Phải bắt bệnh mới bốc thuốc được”, Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty mỹ nghệ Kim Bôi, dịch COVID-19 đến quá nhanh khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh ngoài ý muốn, không có việc làm và khó đảm bảo chi trả lương cho người lao động.
“Do đó, các chính sách hoãn, giãn hoặc chậm nộp một vài khoản nộp bắt buộc cần được Chính phủ thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn tiền chi trả cho người lao động, giữ chân lao động qua cơn khốn khó này”, ông Hùng kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn đánh giá, đây là giai đoạn rất quan trọng để giữ chân người lao động nên các chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cần phải được “mở”, nếu không khi dịch qua đi thì việc tìm lại nguồn lao động để tiếp tục duy trì sản xuất lại càng khó khăn hơn.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, tới thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đã khiến trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, con số này của tháng 2/2020 là 10%. Doanh nghiệp giảm quy mô dẫn đến số lượng lao động mất việc, giãn việc ngày mỗi tăng.
Chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01/2020 (30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người)…
Tuy nhiên chuyên gia đánh giá con số thực tế còn cao hơn nhiều do khu vực hộ kinh doanh còn chưa thống kê đầy đủ được. TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, xét theo khu vực kinh tế thì lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề, có tỉ lệ mất việc cao hơn.
Không chỉ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch khó khăn buộc phải sa thải nhân viên. Hai ngành công nghiệp có tính gia công cao, sử dụng nhiều lao động như dệt may và lắp ráp điện tử cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Các doanh nghiệp hoạt động trong 2 lĩnh vực này khó cả đầu ra lẫn đầu vào vì thiếu nguyên liệu đầu vào và khó xuất khẩu hàng hóa đầu ra.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, điện tử chỉ có thể cầm cự được hết tháng 3, sang đầu tháng 4 sẽ rất khó khăn thiếu nghiêm trọng nguyên vật liệu đầu vào. Vì vậy, nếu không sớm tìm cách khắc phục, số lao động bị mất việc trong 2 ngành này thời gian tới sẽ tăng đột biến.
Một báo cáo đánh giá được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra mới đây thậm chí còn ước tính, với các kịch bản khác nhau mà tác động của COVID-19 có thể gây ra đối với tăng trưởng GDP toàn cầu, ước tính của ILO cho thấy số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người với kịch bản “thấp” và đến 24,7 triệu người với kịch bản “cao”.
Cơ hội tái cơ cấu lực lượng lao động
Cùng với chính sách về tạm hoãn đóng BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động. Hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.
Về nhóm giải pháp này, TS Vũ Minh Tiến cho rằng, đây là cơ hội để tái cơ cấu đội ngũ lao động. Theo Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp có quy định việc đào tạo nghề cho lao động và trong lúc dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp có nguồn lực đã chọn cách hỗ trợ, tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
“Đây cũng là một biện pháp để doanh nghiệp giữ chân lao động, chờ tới thời điểm kết thúc dịch là đẩy mạnh sản xuất để bù lại tăng trưởng. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thiếu thốn nguồn lực nên Chính phủ hoàn toàn có thể hỗ trợ người lao động đi đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển nghề khác phù hợp hơn”, ông Tiến đánh giá.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động có nhu cầu trong thời gian thất nghiệp để họ có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi hết dịch, bước vào thời kỳ kinh tế phục hồi. “Trong trung và dài hạn là phải có chiến lược cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế”, chuyên gia Vũ Đình Ánh kiến nghị.
Đối với người lao động mất việc, thất nghiệp tạm thời thì thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, còn lại hỗ trợ thông qua chính sách tạo việc làm thay thế tạm thời có tính thời vụ 6 tháng đến 1 năm trong thời gian chờ dịch qua.
Trong khi đó, những doanh nghiệp như Công ty Nam Thái Sơn lại có lo lắng về việc thực thi các chính sách. “Việc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng dù đã có chủ trương nhưng tôi thấy rằng, để thực thi được nó vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cơ quan chức năng cần thúc đẩy nhanh các thủ tục hướng dẫn, cũng như phát tín hiệu cho đồng bộ để ở trên lẫn ở dưới đều có sự liên thông khi thực hiện”, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn nhấn mạnh.
Có thể nói, các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đã được đưa ra, vấn đề nằm ở việc thực thi các chính sách này. Dịch COVID-19 mặc dù là khó khăn lớn với nguy cơ lao động mất việc làm cao, tuy nhiên nhìn ngược lại, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để hướng tới một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.
6 nhóm giải pháp hỗ trợ lao động và doanh nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH Nhóm giải pháp thứ nhất là chính sách BHXH. Bộ đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên. Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của COVID-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020. Nhóm giải pháp thứ ba, có thể nói đây là thời cơ để sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc. Nhóm giải pháp thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tập trung hai việc: doanh nghiệp được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định. Việc thứ hai có tính chất dài hơi hơn là đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc. Ở đây, nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền này. Nhóm giải pháp thứ năm là chính sách tín dụng với người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã… Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình này được vay vốn sản xuất, phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%. Nhóm giải pháp thứ sáu, có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn. |