Mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4% trong năm 2020 có thể đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng dưới 0,6%/tháng…
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6 tăng tới 0,66% so với tháng trước – mức tăng cao nhất của tháng 6 trong các năm từ 2012 đến nay. Trong khi đó, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay cũng tăng tới 4,19%, cũng là mức rất cao của cùng kỳ các năm gần đây.
Phân tích về diễn biến giá cả và lạm phát 6 tháng đầu năm 2020, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, có 2 diễn biến bất ngờ ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tăng của CPI đó là giá thịt lợn tăng và giá dầu giảm. Trong đó, giá thịt lợn đã tăng hơn 100.000 đồng/kg trong 6 tháng đầu năm nay, là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm trong kỳ tăng tới 14,28% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó gây áp lực lên chỉ số giá CPI tổng thể.
Do dịch bệnh COVID-19, giá dầu (WTI) trên thị trường thế giới đã giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 57 USD/thùng trong quý 4/2019 xuống còn trung bình khoảng 27 USD/thùng trong quý 2/2020. Việc giá xăng dầu giảm mạnh đã khiến chỉ số giá giao thông giảm trung bình 9,26% trong 6 tháng đầu năm nay và cân bằng phần lớn các tác động tiêu cực từ việc giá thịt lợn bị neo ở mức cao.
Dịch COVID-19 cũng khiến cho lạm phát cơ bản trong 6 tháng đầu năm tăng chậm hơn, ở mức trung bình 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán của TS. Nguyễn Đức Độ, với việc CPI tháng 6/2020 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước, mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4% trong năm 2020 có thể đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng dưới 0,6%/tháng.
Trên thực tế, hầu hết các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm (âm) từ -4,9% đến -7,6%. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ – Iran, Trung Quốc – Ấn Độ, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Do vậy, TS Nguyễn Bá Minh dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2020 so với năm 2019 sẽ tăng ở mức 3,6%–4,0%.
Chia sẻ về những yếu tố ảnh hưởng tới CPI thời gian tới, PGS TS Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.
Cũng đưa ra dự báo mức tăng 4% cho CPI cả năm 2020, nhưng PGS-TS. Ngô Trí Long lưu ý việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát trong năm nay sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây, do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có.
Ông Long cũng nêu một loạt rủi ro ở phía trước: COVID-19 có thể bùng phát mạnh trở lại, khi đó các quốc gia phải đóng cửa, kinh tế toàn cầu chắc chắn rơi vào suy thoái, thị trường tài chính chao đảo và những nước dễ bị tổn thương có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn; Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang bất đồng nội bộ sâu sắc; dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng thấy đẩy giá lợn lên cao; quy luật giá tăng vào những tháng cuối năm do cung – cầu; tăng giá sách giáo khoa… Theo ông Long, đó sẽ là những nhân tố làm tăng CPI.
“Cần tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, xem xét lại vấn đề giá của bộ sách giáo khoa, giảm được giá thịt lợn… như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được”, PGS-TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.
Linh Nga