Bệnh nhân 416 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Sau 99 ngày, kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 268 ở Hà Giang, Việt Nam đã ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Bệnh nhân 416 là nam, 57 tuổi ở Đà Nẵng, đang được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng.

Hiện bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng đang có những dấu hiệu tương tự tình huống của bệnh nhân 91, bệnh biến chuyển xấu nhanh, ngày 20/7 bệnh nhân vào viện như đi khám thông thường nhưng đến 24/7 đã phải thở máy.

Sáng nay, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân 416, trong đó có bác sĩ Trần Thanh Linh – người điều trị cho phi công người Anh. Cùng với đó, các chuyên gia về cách ly của Bộ Y tế cũng được cử vào Đà Nẵng hỗ trợ thành phố trong công tác cách ly, phòng chống dịch.

Trước đó trong tối 23/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã làm xét nghiệm đối với 105 người tiếp xúc gần với bệnh nhân và đã có kết quả âm tính với SARS-COV-2. Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đang tiếp tục lập danh sách các người tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly y tế.

Để kịp thời chỉ đạo và đưa ra các biện pháp phòng chống COVID-19 trong bối cảnh bệnh nhân ở Đà Nẵng được khẳng định dương tính với SARS-COV-2, trở thành ca bệnh số 416, ngay trong sáng 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19.

“Các bộ, ngành, địa phương hết sức bình tĩnh trước các diễn biến bất lợi về tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng trong những ngày qua”. – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị có lối đi, cách làm nghiêm túc để ngăn ngừa có hiệu quả, không để lây lan ra cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần có phương thức chỉ đạo bài bản, quyết liệt, kịp thời và đưa ra một số quyết sách cần thiết trong thời gian tới, nhất là TP. Đà Nẵng, khu vực miền Trung cũng như các đô thị lớn.

Thông tin về ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Bênh viện C Đà Nẵng được lan truyền từ chiều 23/7 và đến sáng 24/7 cổng chính của Bệnh viện C chính thức đóng lại, hạn chế người nhà và bệnh nhân ra vào. Thông tin đến báo chí vào sáng 24/7, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, đã khoanh vùng Bệnh viện C ở mức độ hẹp, cách ly trên 50 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này.

Tuy nhiên, trái với tâm lý hoang mang lo lắng như khi những ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đã rất bình tĩnh đón nhận thông tin và cho biết luôn ở tư thế sẵn sàng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền như khi dịch mới bùng phát.

Đúng vậy, có thể thấy rằng, hệ thống chính trị, các cơ quan y tế và đặc biệt là người dân Việt Nam rất đồng lòng, chung sức phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ngay khi ghi nhận thông tin về trường hợp bệnh nhân tại Đà Nẵng dù đang chờ các kết quả xét nghiệm khẳng định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai và kích hoạt nhiều hoạt động như đối với trường hợp dương tính.

Cụ thể, Bộ Y tế đã cử ngay đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ Y tế dẫn đầu vào chỉ đạo công tác điều tra, giám sát, điều trị và phòng chống dịch tại Đà Nẵng. Chỉ đạo Sở Y tế Đà Nẵng thực hiện lập danh sách, điều tra, xét nghiệm toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại bệnh viện, gia đình, những nơi bệnh nhân đã tới dự tiệc. Ổ dịch tại quận Liên Chiểu, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng đã được khoanh vùng, cách ly.

Bằng cách nhanh nhất có thể, đội công tác đặc biệt gồm các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học, phòng chống nhiễm khuẩn đã có mặt ở Đà Nẵng để giúp khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đoàn công tác các chuyên gia về cấp cứu, điều trị từ Bệnh viện Chợ Rẫy để cùng phối hợp hội chẩn điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện việc hội chẩn từ xa với Hội đồng chuyên môn với các đầu cầu trong cả nước.

Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch ngày 24/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đã khẳng định: “Chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài. Bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, tinh thần của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta có “một tuyến đê” trên bộ dài tới 4.000 km. Chúng ta phải đón các chuyên gia sang làm việc; đưa công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, trong đó một số địa bàn có số người bị nhiễm trên các chuyến bay là rất nhiều. Đặc biệt tới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đón một số lao động ở châu Phi về, theo báo cáo ban đầu có hơn 100 người nhiễm…

Trong quá trình hoạt động, “tuyến đê” có thể không tránh khỏi những chỗ rò rỉ. Do đó “chúng ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt, đặc biệt, ngay khi phát hiện ra các chỗ “rò rỉ” thì phải lập tức bịt lại, xử lý gọn ngay từ đầu. Không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý các địa phương coi đây giống như tín hiệu để siết lại mức độ sẵn sàng của ngành y tế, hệ thống phòng, chống dịch. “Tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan”. – Phó Thủ tướng yêu cầu.

Còn nhớ ngay từ hồi đầu tháng 4/2020, khi Việt Nam bước vào giai đoạn cao trào nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến phòng chống COVID-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chiến thắng đại dịch. Từ lời kêu gọi đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, y tế, quân đội… Việt Nam đã từng bước đẩy lùi COVID-19, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Với ca nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng lần này, chúng ta đã và đang rất bình tĩnh để xử lý kịp thời, tiếp tục truy vết các F để cách ly, phòng tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Để công việc phòng chống dịch hiệu quả, hơn bao giờ hết vẫn là sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp các ngành, các cơ quan đoàn thể, nhưng cũng là trách nhiệm công dân của mỗi người.

Công cuộc này không đòi hỏi hay bắt buộc người dân phải làm quá nhiều việc, phải cống hiến, phải nỗ lực mà thực tế chỉ là bằng những việc làm giản đơn thôi như tự mình phòng chống bệnh cho mình, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện các việc phòng hộ cá nhân, hỗ trợ cho nhau để cùng vượt qua những tháng ngày khó khăn.

Hải Minh