Với 123 ca nhiễm, Việt Nam được xem là bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống COVID-19, giai đoạn có ý nghĩa quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 123 ca nhiễm COVID-19, trong đó, 17 bệnh nhân đã được chữa khỏi, 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực và 8 bệnh nhân có tiến triển nặng hơn trước, các bệnh nhân khác sức khỏe ổn định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến chống COVID-19. Trong 10-15 ngày tới sẽ là giai đoạn sống – còn, quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch COVID-19.
Trên thực tế, dấu mốc “hai tuần tới” đã nhiều lần được nhắc tới trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Lý giải về dấu mốc này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cho rằng, hai tuần này sẽ là hai tuần “thử lửa” cho cả hệ thống phòng ngừa dịch COVID-19 ở nước ta. Bởi lúc này, lượng người từ nước ngoài về coi như gần hết. Vấn đề đặt ra là về nhiều quá, liệu có “lọt lưới” nguồn lây ra cộng đồng hay không?
Cùng với đó, “hai tuần quyết định” cũng chính là thời điểm 14 ngày ủ bệnh (nếu có). Do đó phải tìm mọi cách khống chế nguồn lây nhiễm ra cộng đồng, không để lặp lại như trường hợp bệnh nhân “siêu lây nhiễm” thứ 34 lây cho 10 người khác ở Bình Thuận.
“Theo tôi, ngoài việc đảm bảo quy trình kiểm soát cách ly tập trung như hiện nay, đòi hỏi mỗi người dân phải có ý thức nâng cao cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đi lại để chung tay cùng chính quyền, ngành y tế khống chế dịch bệnh” , bác sĩ Khanh nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua lượng người từ nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng tăng, và hai tuần tới sẽ đạt mức “đỉnh điểm”. Theo ước tính của hai sân bay quốc tế lớn nhất cả nước, sẽ có khoảng 10.000 người về sân bay Nội Bài và 17.000 người về sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp này.
Việc gia tăng lượng người từ nước ngoài về nước rất có thể sẽ kéo theo tình huống xuất hiện thêm các ca bệnh mới. Do đó, hai tuần tới được đánh giá là thời điểm quan trọng để hệ thống nguồn nhân lực, kiểm soát, cách ly, điều trị chuẩn bị bấy lâu nay tiếp tục “gồng” cho một cuộc chiến quyết định. Nếu kiểm soát tốt, đó là tín hiệu đáng lạc quan cho chặng đường đẩy lùi dịch bệnh phía trước.
Bởi vậy, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các cấp, các ngành, hệ thống chính trị cố gắng. “Đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì càng quyết liệt, chặt chẽ hơn, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”, phải thành công chứ không thất bại, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết tại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã xuất hiện những ca nhiễm bệnh chưa xác định được nguồn lây như trường hợp bệnh nhân thứ 86 là nhân viên y tế tại bệnh viện Bạch Mai, hay 2 bệnh nhân 97 và 98 của TP HCM từng đến quán bar nơi bệnh nhân nhân 91 đến cùng ngày đã cho thấy có dấu hiệu mầm bệnh tồn tại ngoài cộng đồng.
Thống kê đến nay cũng cho thấy, 75% ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam là người nhập cảnh từ nước ngoài về, 25% là ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Vì vậy các chuyên gia cho rằng phải khoang vùng và nhanh chóng tìm ra nguồn lây ngoài cộng đồng. Nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM…vốn đã thực hiện tốt việc cách ly, nay tiếp tục khoanh vùng giám sát cách ly toàn bộ người đã nhập cảnh từ ngày 8/3. Đây cũng là yêu cầu được Người đứng đầu Chính phur giao cho tất cả các địa phương thực hiện trong vòng 48 giờ.
Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh Dự kiến cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trước tác động của dịch COVID-19. Hội nghị sẽ thảo luận 3 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và nhóm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động. |