Chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả cuộc chiến này.
Sáng 8/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cho rằng: “Cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác”.
Theo thông báo của Bộ Y tế, tính 19h30 ngày 8/3, Bộ Y tế thông báo có thêm 9 ca nhiễm mới, tất cả đều trên cùng chuyến bay với bệnh nhân thứ 17, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam lên con số 30.
Cơ quan chức năng xác định đã có 130 người tiếp xúc với bệnh nhân số 17 và 226 người tiếp xúc với người tiếp xúc. Hà Nội đã điều tra, khoanh vùng cách ly khu vực ở phường Trúc Bạch 66 hộ gia đình với 189 người và lấy mẫu xét nghiệm; xử lý tại Bệnh viện Hồng Ngọc, cách ly những người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần và hàng loạt các biện pháp khác.
Lực lượng chức năng cũng điều tra 217 người trên cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân thứ 17, cách ly và kiểm tra sức khỏe của những người này.
Tất nhiên, khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện thì ai cũng nhận thấy việc chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây.
Dĩ nhiên, chúng ta ai cũng cảm thấy buồn khi có ca nhiễm mới, nhưng tôi thấy rằng người dân đừng quá lo lắng. Bởi chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản để đối phó với nhiều tình huống khác nhau.
“Tình huống này cũng là một trong những đề bài đã được dự liệu và nằm trong khung trả lời sẵn có. Chuyện quan trọng nhất lúc này chính là kiến thức, niềm tin và tinh thần vì cộng đồng của mỗi người dân. Có những thứ ấy, chúng ta lại sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống yên bình” – Bác sĩ Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Theo đó, người dân không quá hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, nhưng không được chủ quan, lơ là, nghiêm túc thực hiện khai báo y tế và tham gia tích cực khám, sàng lọc. Người dân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, có các triệu chứng cúm khi đang cư trú địa bàn tỉnh hoặc ở nơi khác di chuyển đến Quảng Ninh phải tới ngay tới các cơ sở y tế theo quy định để theo dõi và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hoặc gọi tới tổng đài 1800.9214 để được hỗ trợ y tế.
Nói cách khác, mỗi cá nhân cần có ý thức giữ ứng xử đúng để bảo đảm an toàn trước hết cho bản thân và gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp…, xa hơn là an toàn cho cộng đồng của mình. Đừng để vì mình mà bao nhiêu người khác phải liên lụy khi một con phố, khu vực phải bị cách ly hoặc tệ hơn là bị lây bệnh.
Hãy nhớ, chính việc khai báo y tế chưa trung thực của một số người từ “tâm dịch” trở về trong thời gian vừa qua chính là một trong những nguyên nhân chính gây lên sự lây lan khi mà “mầm họa COVID-19” vẫn luôn trực chờ xâm nhập và chắc chắn họ là người rất đáng trách.
Tất cả những sai lầm của cá nhân thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, trước tiên và không đâu xa chính là những người thân trong gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đừng ai suy nghĩ “chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ lo”, sự thờ ơ và bàng quan của bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng sự ân hận suốt đời.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tinh thần đoàn kết để chống dịch, dập dịch ở ngay giai đoạn 2 này, tránh tình trạng “vỡ trận” như Vũ Hán của Trung Quốc.
Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì “nếu toàn dân đồng lòng chống dịch nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng”.