Theo Tổng cục Thống kê, đến giữa tháng 4/2020, gần 740 nghìn lao động trong ngành dịch vụ – lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19…
Từ mất khách đến mất lao động
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cận kề thường là thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè, du lịch nội địa sôi động nhất trong năm. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, vui chơi giải trí đều vẫn đang trong trạng thái “đóng băng” bởi không có hoặc không đủ người để khởi động trở lại.
Ông Nguyễn Giang Nam, Giám đốc công ty Asia Pacific Travel, cho biết, bộ phận kinh doanh lữ hành của công ty đã tạm nghỉ từ 20/3 đến nay, buộc phải giảm 50% lương nhân sự. Lĩnh vực nghỉ dưỡng cũng “đóng băng” sau đó. Những doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế như công ty Asia Pacific Travel đã xác định còn đình trệ hoạt động tới hết năm 2020 bởi chưa biết bao giờ mới ổn định.
Ông Nguyễn Tiến Hữu, Trưởng phòng Nhân sự, khách sạn Bông Sen Hoàng Gia Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ, hiện tại chúng tôi vẫn duy trì hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh và an ninh nội bộ. Vì vậy mỗi cán bộ nhân viên vẫn luân phiên làm từ 10 – 16 công/tháng và chúng tôi duy trì đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Tất nhiên dịch ảnh hưởng chung nhưng không đến mức nhân viên không có khoản thu nào khác. Nhưng trong bối cảnh này, nhiều bạn buộc phải nghỉ thì chúng tôi đành chấp nhận mất nhân lực.
“Thực tế nguồn lao động của ngành dịch vụ, du lịch không dồi dào nên chúng tôi đang cố gắng giữ chân người lao động bằng đóng bảo hiểm xã hội và duy trì mức lương cơ bản. Bởi đào tạo một lao động mất rất nhiều thời gian dù các bạn có đào tạo nền thì vẫn phải đào tạo lại. Trong thời gian nghỉ do dịch, tập đoàn vẫn yêu cầu các đơn vị vẫn phải duy trì việc tái đào tạo nghiệp vụ cho người lao động để các khách sạn và ngành du lịch Quảng Ninh duy trì dịch vụ tốt nhất”, ông Đinh Thọ Quang, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh – Quảng Ninh nói.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, chương trình khảo sát 394 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành, bao gồm 51% doanh nghiệp là công ty lữ hành, 15% là khách sạn và 14% là doanh nghiệp vận tải và 92% doanh nghiệp trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người.
Trong số các phản hồi nhận được, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ trong quý 1 năm 2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 18% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc với tỷ lệ từ 50% đến 80%. Đồng thời, 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp và người lao động?
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Lê Quang Tùng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, người lao động.
Trong đó, đối với người lao động của ngành du lịch, Bộ VHTT và DL đã đưa ra những giải pháp như hỗ trợ cho người lao động trong ngành du lịch bị mất việc hoặc tạm ngừng lao động số tiền từ 1-3 tháng lương cơ bản; tạm dừng đóng một số loại quỹ của bảo hiểm xã hội; điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp…
Tạo việc làm và thu nhập cho người lao động sẽ chỉ được bảo đảm khi các hoạt động du lịch trở lại bình thường. Dù mới chỉ khảo sát một lượng khá nhỏ so với tổng số lượng doanh nghiệp du lịch hiện nay, nhưng TAB cũng ghi nhận, có hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, khảo sát tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết các công ty đều mong muốn có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp như có các gói tín dụng cho vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế, điện nước…
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhằm giúp cho doanh nghiệp du lịch đảm bảo nguồn nhân lực khi đại dịch kết thúc, Sở Du lịch đã có chương trình phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Quảng Ninh tổ chức các lớp học đào tạo. Các doanh nghiệp vẫn có chương trình đào tạo trực tuyến, training nhân viên… “Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì ngay từ đầu tháng 5 chúng tôi cũng đã chuẩn bị những chương trình kích cầu khách nội địa và khai thác các cung đường gần rồi mới tính được xa hơn” – vị này nói.