Không ai mong muốn dịch bệnh kéo dài, nhưng ngay cả trong tình hình này, mỗi cá nhân, các công ty/doanh nghiệp vẫn có thể xoay chuyển tình thế khó khăn trở thành cơ hội tốt cho mình.
Khi virus corona chính thức “xâm nhập” vào Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định dường như chủng virus mới này có thể sẽ tiến triển theo thời gian tương tự như SARS và sẽ “thoái trào” vào những tháng hè khi thời tiết ấm áp hơn, sau đó mọi việc sẽ quay lại nhịp sống bình thường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân”, thể hiện quyết tâm rất cao chống lại dịch bệnh.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến thời điểm hiện tại cũng quá lớn khi nhiều hoạt động sản xuất đứng trước nguy cơ đình đốn… Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, thách thức đi liền với cơ hội, có những cơ hội mà chỉ khi thách thức xảy ra thì mới xuất hiện.
Trong cơn đại dịch này, yêu cầu bức thiết đòi hỏi chúng ta phải thích ứng nhanh chóng. Không ai chịu bó tay chờ chết mà phải tìm ra con đường để sống và một trong những cách đó là khai thác tối đa công nghệ để quản trị doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, tiết kiệm được tối đa và giảm rủi ro tối thiểu.
Có thể thấy, đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử, giao dịch điện tử – điều mà trước đâu nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa chú trọng. Theo đó, dịch COVID-19 khiến cho nhiều cơ quan, tổ chức công ty đã chuyển sang chế độ làm việc online, họp online, nhiều trường học chuyển sang học online..v..v.
Dịch cũng khiến cho nhu cầu và việc sử dụng các trang thiết bị làm việc từ xa tăng cao kỷ lục. Với các công ty, doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết, hầu như đã chuyển sang làm việc online, hạn chế làm việc trực tiếp.
Còn người dân ở nhà sẽ sử dụng hình thức thương mại điện tử để mua bán hàng hóa tiêu dùng gia đình. Việc mua bán online sẽ bỏ dần thói quen dùng tiền mặt, đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia, góp phần phát triển thương mại điện tử, an toàn và tiết kiệm..v..v.
Từ đó, thúc đẩy hiện thực hóa một khái niệm mới mà một số nhà kinh tế từng đưa ra đó là khái niệm “nền kinh tế tại nhà”. Tức là, trên nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử, song song với nền kinh tế truyền thống, “nền kinh tế tại nhà” góp phần giúp xã hội vận hành tối ưu hơn, giảm bớt những căng thẳng về giao thông, sự tốn kém năng lượng cũng như tiết kiệm thời gian di chuyển.
Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì dịch COVID-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ. Nó là một điểm gãy trong sự phát triển. Nhiều giá trị, nhiều thói quen sẽ thay đổi… Và cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, là tạo ra các ứng dụng công nghệ số, là đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số.
Một hướng nhìn tích cực khác là, COVID-19 có thể là dịp để các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”. Rồi, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường..v..v.
Thực tế đó phần nào minh chứng, người Việt Nam, nhân dân Việt Nam từ trước đến nay vốn thông minh, linh hoạt, giỏi ứng phó với nghịch cảnh. Hoàn cảnh đặc biệt buộc chúng ta phải có cách ứng xử đặc biệt. Và dịch COVID-19 là thử thách rất lớn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thích nghi, thay đổi để tồn tại và phát triển.
Có thể nói, càng khó khăn, càng thử thách lòng người, các doanh nghiệp nói riêng và toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam. Chúng ta có sức đề kháng tốt, đã tự đề ra một chương trình hành động cụ thể để có thể vươn ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn.
Dẫu vậy, vẫn cần những cơ chế mở, chỉ đạo quyết liệt hơn từ Chính phủ để góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ số trong mọi vấn đề cuộc sống, thúc đẩy thương mại điện tử. Có lẽ, đây một thời cơ tích cực hiếm hoi mà COVID-19 thúc chúng ta đi nhanh hơn dự kiến trong thời buổi hội nhập.
Sông Hàn