Diễn đàn là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam với vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Trải qua 3 lần tổ chức kể từ năm 2019, diễn đàn đã góp phần đưa các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam sang giai đoạn phát triển mới. Đó là Make in VietNam, là thiết kế, sáng tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.

anh-1-HB

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông phát biểu

Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm nay có sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Đây là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; kết nối các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI nhằm nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Phát biểu tại họp báo về diễn đàn được tổ chức chiều nay (ngày 6/12), ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài là định hướng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Các doanh nghiệp đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng.

anh-2-HB

Đại diện doanh nghiệp công nghệ Make in VietNam cho biết diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tạo sân chơi kết nối doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài

Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT. Với tiềm lực sẵn có, các doanh nghiệp đã đầu tư trực tiếp phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có 1.400 sản phẩm công nghệ Make in VietNam đi ra thế giới.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa kỳ vọng thông qua diễn đàn các start up công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số Make in VietNam xem thị trường thế giới là sân chơi lớn để chinh phục, để biết được mình ở đâu, mức độ nào để phát triển và tồn tại lâu dài.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức Lễ công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in VietNam năm 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc; triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Hạnh Lê