Chuyển tới nội dung

Công nghệ sinh học tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp ở Quảng Trị

Những năm qua, công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những bước tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, CNSH đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành Nông – lâm – ngư nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an ninh lương thực và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản-xuất-lạc-an-toàn-theo-mô-hình-nông-nghiệp-thông-minh-thích-ứng-biến-đổi-khí-hậu-tại-xã-Vĩnh-Giang.-Ảnh-NĐ_-1536x979

Sản xuất lạc an toàn theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Vĩnh Giang. Ảnh NĐ

Hỗ trợ theo chiều sâu

Để phát triển và ứng dụng CNSH, tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch thu hút, đào tạo nguồn nhân lực khoa học đáp ứng nhu cầu về lượng và chất, chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao nghiên cứu về CNSH. Trong đó, tỉnh tổ chức tập huấn về chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNSH cho các cơ sở sản xuất và địa phương. Quảng Trị cũng tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo thuộc lĩnh vực CNSH. Đồng thời bổ sung máy móc, thiết bị tiên tiến và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm về CNSH chuẩn hóa theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm được công nhận (VILAS) nhằm phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào sản xuất, đời sống.

Trong điều kiện nguồn thu của tỉnh còn ít, để có nguồn kinh phí cho sự nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có lĩnh vực công nghệ sinh học, Quảng Trị đã huy động từ nhiều nguồn, trong đó, nguồn kinh phí Trung ương thông qua các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi chiếm tỷ lệ lớn. Nhờ vậy, kinh phí đầu tư cho KH&CN tăng thêm hàng năm.

Thông qua Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi ” Quảng Trị đã đào tạo 58 lượt kỹ sư và kỹ thuật viên thuộc các lĩnh vực nuôi cấy mô tế bào thực vật; phân lập và nhân giống các loại nấm ăn và nấm dược liệu; sản xuất chế phẩm sinh học… Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tập trung đào tạo các cán bộ chuyên sâu về CNSH các lĩnh vực gồm: Công nghệ nuôi cấy mô (In Vitro), công nghệ vi sinh vật, công nghệ sản xuất các loại nấm (đặc biệt là Đông trùng hạ thảo), công nghệ lên men sinh khối, công nghệ sơ chế và bảo quản nông sản, công nghệ chiết suất chế biến và công nghệ PCR (Polymerase Chain Reaction)…

Tại huyện Hải Lăng, để đẩy mạnh ứng dụng CNSH vào nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực phối hợp các ban, ngành chuyên môn tìm kiếm đưa vào thử nghiệm áp dụng trong lĩnh vực như: tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; chính sách phát triển đàn bò lai, lợn nái ngoại; thử nghiệm, nhân rộng các giống lúa mới. Sử dụng các loại thuốc sinh học, chế phẩm sinh học; phối hợp với Hội Khoa học – Kỹ thuật huyện tham gia nghiên cứu các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án thử nghiệm, chuyên đề khoa học, trong đó ưu tiên lựa chọn và ứng dụng CNSH đối với sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện tự nhiên của huyện, xử lí chất thải chăn nuôi, thủy sản và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Một số đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp đã được triển khai, áp dụng rộng rãi, có hiệu quả vào sản xuất như: “Giải pháp phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện Hải Lăng đến năm 2020”; “ Phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Hải Lăng giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020”; “Giải pháp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả chủ lực”…

Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng cho biết: Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục xác định việc áp dụng CNSH là một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện, tạo bước đột phá trong sản xuất, chế biến nông sản, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Theo đó, lựa chọn và ứng dụng CNSH để tiếp tục thử nghiệm, từng bước nhân rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất đối với các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của huyện.

Tạo sức bật từ thủy sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị, tính đến cuối năm 2018, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 3.343,5ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 933ha. Sản lượng nuôi tôm đạt 4.532 tấn, giá trị ước đạt 679,8 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản năm 2018.

Vĩnh Sơn là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Vĩnh Linh với trên 150ha. Mỗi năm nông dân ở Vĩnh Sơn nuôi từ 2 đến 3 vụ, chủ yếu tôm sú, mang lại doanh thu bình quân 60-70 tỉ đồng/năm, có năm đạt 120 tỉ đồng. Tuy nhiên những năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên con tôm diễn ra thường xuyên và có xu hướng lây lan trên diện rộng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng tôm nuôi, thu nhập của các hộ gia đình. Quy trình và kỹ thuật trong quá trình thả nuôi còn nhiều hạn chế được xác định là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh cũng như khó kiểm soát dịch bệnh diễn ra trên con tôm. Trước tình hình này, năm 2018, huyện Vĩnh Linh triển khai đề tài khoa học “Mô hình nuôi tôm theo quy trình sinh học 2 giai đoạn” tại xã Vĩnh Sơn. Kết quả, mô hình mang lại lãi ròng bình quân trên 800 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận cao hơn so với nuôi tôm truyền thống. Đề tài mở ra hướng đi mới trong quy trình thả nuôi áp dụng tiến bộ KHKT, đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững cho các địa phương nuôi tôm trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Lục – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: Trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 8 đề tài khoa học cấp cơ sở được nghiên cứu triển khai; 7 dự án, mô hình đăng ký nhân rộng các kết quả KH&CN. Nhờ đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào quá trình phát triển sản xuất nên ở huyện Vĩnh Linh hình thành ngày càng nhiều các mô hình kinh tế, các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung mang lại giá trị và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Hiện Quảng Trị đang hướng đến các hình thức nuôi tôm bán thâm canh, bền vững môi trường; nuôi tôm thâm canh; nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quy trình tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, để khai thác dư địa trong nông nghiệp, thời gian tới địa phương kêu gọi đầu tư, liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn trong việc chuyển giao công nghệ nuôi tôm. Qua đó, không ngừng nâng cao đời sống của người nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tăng giá trị sản phẩm, tăng GDP địa phương.

Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Quảng Trị đạt 1.500ha, tổng sản lượng đạt 6.800 tấn, giá trị sản xuất tôm ước đạt 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2025, sẽ hình thành một số vùng sản xuất tôm công nghệ cao, vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2025 của tỉnh ổn định đạt 1.500 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 8.800 tấn, giá trị sản xuất tôm ước khoảng 1.500 tỷ đồng…

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã từng bước đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, lĩnh vực công nghệ sinh học nói riêng; giúp cho các đơn vị vừa tháo gỡ vướng mắc về tài chính, vừa phát huy năng lực nội sinh, tạo ra một số sản phẩm khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu xã hội và thị trường; đồng thời, giúp cơ quan quản lý sàng lọc, đánh giá được năng lực thực sự của các tổ chức KH&CN công lập để có giải pháp đầu tư, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, hiệu quả.

Bảo Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved