screenshot-2022-12-09-205226-enternews-1670594000

Công nghệ giám sát nhân viên từ xa lên ngôi

Công nghệ giám sát nhân viên từ xa có thể là các phần mềm phân tích lực lượng lao động, theo dõi năng suất làm việc, hoặc giám sát quá trình làm việc của nhân viên. Trước dịch, chỉ có khoảng 30% công ty sử dụng công nghệ để đo lường hiệu suất nhân viên. Nhưng đến cuối năm 2021, con số tăng lên 60%. Và đến tháng 8/2022, theo một bài kiểm tra từ New York Times, 80% các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Mỹ đang sử dụng các công nghệ kiểu như vậy.

Sự tăng trưởng của mảng công nghệ giám sát nhân viên cũng được thể hiện qua các quỹ đầu tư. Trong khi tình hình chung của đầu tư mạo hiểm là giảm 53% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước, thì đầu tư cho mảng này lại đang tăng mạnh.

Năm 2020, tổng số tiền đầu tư là 180,5 triệu USD. Đến năm 2021, con số tăng vọt lên 243 triệu. Ba quý đầu năm 2022, thì tổng số tiền đầu tư vào mảng này vượt mức 394 triệu USD (cao hơn đến 62% so với toàn năm 2021, dù năm 2022 chưa kết thúc).

Thị trường này tăng trưởng không phải là điều khó hiểu. Bởi trong những năm qua, vì tác động của đại dịch, xu hướng làm việc từ xa toàn phần hoặc bán phần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Và với hình thức này, các chủ doanh nghiệp luôn lo lắng về năng suất lao động của nhân viên. Khi đó, giải pháp để kiểm soát nhân viên, theo dõi người lao động từ xa là một điều mà doanh nghiệp tìm kiếm.

Nhiều công ty trong lĩnh vực này ghi nhận tốc độ tăng trưởng chóng mặt.

Chẳng hạn ActivTrak, một công ty phần nền phân tích lực lượng lao động với hơn 77 triệu đô tiền gọi vốn. Gần đây họ đã lọt vào top những công ty phát triển nhanh nhất Bắc Mỹ trong 3 năm liên tiếp, theo xếp hạng của Deloitte Technology. Một thông cáo báo chí cho thấy công ty đạt mức tăng trưởng đến 485% trong ba năm qua.

Cái tên khác nổi bật không kém là Prodoscore. Công ty này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tăng 300% so với cùng kỳ trong ba năm qua. Và hiện tại số lượng nhân viên trên nền tảng của họ đã đạt đến mốc 20.000 người. Theo chia sẻ Prodoscore, công ty này sử dụng công nghệ máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để cung cấp cho khách hàng (ở đây là chủ doanh nghiệp) hiệu suất làm việc của nhân viên dưới dạng một số điểm đơn giản.

screenshot-2022-12-09-205414-enternews-1670594096

Nhiều công ty trong lĩnh vực này ghi nhận tốc độ tăng trưởng chóng mặt

Một điểm đáng lưu ý về sự trỗi dậy của mảng công nghệ giám sát nhân viên từ xa, đó là chúng phổ biến cùng lúc với hàng loạt đợt sa thải và nỗi lo suy thoái.

Về thông tin này, CEO Sam Naficy của Prodoscore xác nhận trong ba năm qua, đặc biệt là trong vòng 6 đến 12 tháng trở lại đây, thì ngành công nghệ này phát triển rất mạnh. Tuy nhiên Naficy không dám chắc đó là vì xu hướng sa thải, suy thoái kinh tế khiến giới doanh nghiệp vào tập trung hơn nữa vào đánh giá năng suất lao động, hoặc chỉ là vì việc sử dụng các công nghệ giám sát đã ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn.

Giới làm chủ có lẽ xem những công cụ này là kho báu. Nhưng với những người lao động thì không phải ai cũng thoải mái.

Trong một bài nghiên cứu, Phó Giáo sư Jessica Vitak từ Đại học Maryland cùng đồng nghiệp phân tích 645 người lao động làm việc từ xa ở Mỹ và có chịu sự giám sát của các công nghệ. Kết quả cho thấy những người tham gia thường có xu hướng lo lắng khi công cụ thu thập dữ liệu, và doanh nghiệp lại sử dụng dữ liệu để đưa ra những quyết định như thăng chức, hoặc đánh giá hiệu suất hằng tháng.

Hồi tháng 5, một cuộc khảo sát riêng của Morning Consult cho thấy trên dưới một nửa số nhân viên ngành công nghệ sẽ nghỉ việc nếu doanh nghiệp sử dụng phần mềm giám sát để theo dõi năng suất, bất kể là theo dõi qua video, âm thanh hoặc thao tác gõ phím. Đồng thời hơn một nửa số người được hỏi cho biết sẽ không làm việc ở những công ty sử dụng công nghệ để giám sát năng suất.

Theo phân tích của Vitak, các công nghệ này có cả những điểm mạnh và điểm yếu. Điểm mạnh là chúng đưa ra dữ liệu nhiều hơn, giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định tốt hơn (về mặt lý thuyết). Tuy nhiên điểm yếu là những rủi ro xã hội trong quá trình tổng hợp dữ liệu dài hạn. Chẳng hạn dữ liệu có thể bị sử dụng cho những mục đích khác xa ban đầu.

Điều cần lưu ý nhất chính là không nên đặt niềm tin 100% vào dữ liệu. Bởi vì việc đánh giá ai đó là “nhân viên giỏi” không thể chỉ gói gọn trong một phương trình, một thuật toán. Hay nói cách khác, dữ liệu rốt cuộc cũng chỉ là dữ liệu. Điểm mấu chốt là chủ doanh nghiệp cần sử dụng dữ liệu một cách phù hợp, để không đưa ra những đánh giá sai lầm về nhân viên của mình.

Quân Bảo