Việc công khai thông tin chủ đầu tư, pháp lý dự án là rất cần thiết cho khách hàng giúp giảm thiểu rủi ro với các giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Mới đây, một lần nữa tại Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất siết điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, tại điểm b, Điều 4 dự thảo trên quy định Tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin về doanh nghiệp bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật và số điện thoại liên lạc và các thông tin liên quan đến bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và nơi có bất động sản đưa vào kinh doanh.
Theo đó, nội dung thông tin về bất động sản bao gồm: Loại bất động sản; vị trí bất động sản; thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản; quy mô của bất động sản. Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của bất động sản; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư.
Bên cạnh đó là thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến bất động sản. Hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có). Giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, công khai thông tin chủ đầu tư, pháp lý dự án là rất cần thiết cho khách hàng. Đây là một trong những giải pháp minh bạch thông tin thị trường, giảm thiểu rủi ro với các giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, trên thực tế trước đó dù đã có quy định, song các thông tin về hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, giấy tờ liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án bất động sản, hợp đồng bảo lãnh ngân hàng thường bị chủ đầu tư “dấu nhẹm” bởi chưa có quy định về đơn vị, địa chỉ công bố cụ thể. Trong khi đó, tại các địa phương, việc công bố cũng không được kiện toàn đầy đủ về giấy tờ, hồ sơ pháp lý dự án.
Tại TP HCM, trước thực trạng nhiều dự án bất động sản hình thành trong tương lai huy động vốn trái pháp luật, chưa đủ điều kiện pháp lý đã mở bán, UBND TP.HCM đã từng gửi văn bản đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra quy định xử lý nghiêm các chủ đầu tư không công bố, công khai pháp lý của dự án. Và mới đây là kiến nghị công khai dự án thế chấp ngân hàng.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, việc công khai thông tin dự án là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch.
“Việc công bố danh sách cũng cần cập nhật liên tục, theo thời gian thực để tạo luồng thông tin kịp thời, đặc biệt cần công khai điều kiện bảo lãnh ngân hàng – điều mà rất nhiều chủ đầu tư đang né tránh, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Ngoài ra, phải có quy định xử lý nghiêm chủ đầu tư né tránh công khai thông tin dự án” – Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ThS Ngô Gia Hoàng – Giảng viên Khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, quy định công khai này cần làm rõ hơn các thông tin mà người mua quan tâm như dự án có bị thế chấp tại các tổ chức tín dụng hay không, tình trạng giao dịch của tài sản… Mặt khác, cần làm rõ vai trò của cơ quan chức năng trong việc công khai thông tin cho người dân.
Diệu Hoa