Do đó, mô hình Nhà nước quy hoạch chính sách – doanh nghiệp đầu tư, vận hành và quản lý rất phù hợp cho việc phát triển trung tâm logistics tại Hải Phòng.

bieu-do-log1

Các chi phí ảnh hưởng xấu đến hoạt động logistics của doanh nghiệp logitics (LSP) trên địa bàn TP Hải Phòng. Nguồn: VLI – Kết quả khảo sát doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics trên địa bàn TP. Hải Phòng (4/2021)

Logistics đang dần trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới, Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng đã đề ra những mục tiêu cụ thể trong dài hạn mà ở đó sự phát triển của mỗi tỉnh thành sẽ góp phần không nhỏ vào bộ mặt chung của toàn ngành logistics.

Điểm nghẽn “kìm chân” doanh nghiệp

Là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới, Hải Phòng có hệ thống cảng với lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc, đứng thứ hai toàn quốc. Từ năm 2016 – 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đã tăng từ 78,9 triệu tấn lên đến gần 143 triệu tấn. Điều này cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ở Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Nguồn hàng hoá lớn là vậy, tuy nhiên những “điểm nghẽn” về hạ tầng và hoạt động logistics khiến ngành logistics tại Hải Phòng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, ùn tắc giao thông đường bộ. Theo kết quả khảo sát đội ngũ nghiên cứu VLI, có đến 96% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng hệ thống đường bộ thường xuyên tắc nghẽn làm ảnh hưởng đến hoạt động logistics. Đáng nói, vận tải đường bộ lại đang chiếm tới 70% tỷ trọng giữa các phương thức vận tải tại Hải Phòng. Trong khi đó, vận tải hàng hóa bằng đường sắt tại Hải Phòng chiếm tỷ trọng nhỏ chỉ khoảng 1.5%. Cùng với đó, đường sắt đều phải đi qua trung tâm thành phố, qua nhiều điểm giao cắt đường sắt – đường bộ, dễ gây ách tắc và đe dọa mất an toàn khu vực nội đô. Vận tải thuỷ nội địa, tuy có có đến 444 bến thủy nội địa đang hoạt động nhưng cũng chưa được tận dụng khai thác tốt.

Thứ hai, chi phí Logistics cao. Theo các doanh nghiệp được khảo sát thì các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi các chi phí như phí lưu bãi, phí lưu kho, phụ phí hãng tàu… đặc biệt là chi phí sử dụng hạ tầng logistics tại Hải Phòng khi có đến 100% doanh nghiệp nhận định rằng chi phí này đang ảnh hưởng đến hoạt động logistics và là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng chi phí.

Thứ ba, phụ phí hãng tàu cao, tham gia khảo sát của VLI, có đến 85% doanh nghiệp cho rằng phụ phí hãng tàu cao gây khó khăn trong hoạt động logistics của doanh nghiêp.

bieu-do-log2

Mô hình trung tâm Logistics với các khu vực chính trong trung tâm logistics

Hiện thực hóa quy hoạch trung tâm logistics

Khảo sát của VLI về Đề xuất thể chế, chính sách phát triển trung tâm logistics tại Hải Phòng mới đây cho thấy, có đến 92,59% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng tính kết nối vận tải đa phương thức của trung tâm logistics là nhân tố quan trọng hàng đầu, vị trí của trung tâm logistics gần nguồn hàng là ưu tiên thứ hai với 62,96% phiếu bình chọn. Có thể thấy, tính kết nối vận tải đa phương thức và nguồn hàng của trung tâm logistics là hai tiêu chí được các doanh nghiệp rất quan tâm.

Trung tâm logistics tại Hải Phòng nên được quy hoạch phục vụ cho hàng container xuất nhập khẩu. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng có đến 96,03% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến trên. Căn cứ trên nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa tại Hải Phòng và ý kiến khảo sát của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hoạt động trên địa bàn Thành phố. VLI đề xuất mô hình trung tâm logistics gồm các khu vực và các loại hình dịch vụ như sau: Khu vực kho bãi và dịch vụ logistics; Khu vực dành cho các đơn vị vận tải; Khu vực dành cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành; Khu vực văn phòng giao dịch của các doanh nghiệp; Khu vực các dịch vụ hỗ trợ; Khu thương mại tự do. Do đó, một số đề xuất về chính sách phát triển trung tâm Logistics sẽ gợi mở những hướng đi mới cho Hải Phòng:

Thứ nhất, rà soát các quy hoạch, căn cứ tính pháp lý (quỹ đất) để xác định vị trí trung tâm logistics.

Thứ hai, căn cứ vào nguồn hàng để xác định quy mô và chức năng của trung tâm logistics.

Thứ ba, xây dựng mô hình đầu tư, quản lý trung tâm logistics có hiệu quả.

Thứ tư, xây dựng chiến lược thực hiện (phân kỳ giai đoạn), nguồn vốn dự toán chi tiết.

Thứ năm, nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của trung tâm logistic.

Thứ sáu, ban hành chính sách khuyến khích hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn Hải Phòng.