Ứng dụng AI vào tiếp thị không phải là điều mới, nhưng đang có xu hướng tăng cao hơn bao giờ hết trong thời điểm gần đây. AI rất tốt, thế nhưng vẫn còn đâu đó một số bất cập.
Hồi tuần trước, Tổng giám đốc Mark Read của công ty truyền thông lớn WPP nhận định trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ “thiết yếu” cho việc kinh doanh, nói rằng toàn bộ công ty của mình sẽ tích hợp AI để đẩy nhanh năng suất và giảm thiểu chi phí làm việc. Theo Bloomberg, ông Read từng có thời gian khá dài tự thực nghiệm với ChatGPT của OpenAI. Về việc AI có thể ứng dụng gì trong ngành sáng tạo, ông cho rằng AI không thể thay thế bộ óc con người, nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả.
Trong khi đó Coca-Cola, một trong những khách hàng hàng đầu của WPP, cũng vừa mới hợp tác với hãng tư vấn Bain & Company và OpenAI để tìm cách tối ưu hóa quá trình tiếp thị bằng công nghệ AI.
Và còn rất nhiều cái tên khác cũng đang quan tâm tích cực đến AI, chẳng hạn: Bộ phận quảng cáo của Spectrum thông báo đang bắt đầu một nền tảng sản xuất video nhằm giúp khách hàng tạo quảng cáo với những tính năng như lồng tiếng bằng AI; Snapchat tung ra chatbot AI với sự hỗ trợ của ChatGPT; Những agency lớn như Havas, Horizon, DBB đầu tư vào AI; Công ty quảng cáo dạng product placement BEN thành lập BENlabs nhằm nghiên cứu AI; Công ty phần mềm Blueshift tung ra công cụ sử dụng OpenAI hỗ trợ tạo các bản sao cho những chiến dịch tiếp thị qua email; Spotify cho ra mắt DJ AI; Patron Tequila xây dựng công cụ tạo tác phẩm nghệ thuật bằng AI có tên “Dream Margarita”; Hãng nước Snapple tạo công cụ tạo nắp chai “Real Facts” bằng AI.
Việc các công ty hào hứng với AI là điều không quá bất ngờ, đặc biệt sau tiếng vang mà cơn sốt ChatGPT đem đến. Tuy nhiên hào hứng là một chuyện, còn tính thực tiễn và khả năng tạo ra lợi nhuận lại là một chuyện khác.
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu các công nghệ AI mới đã có thể được sử dụng rộng rãi hay chưa, hay vẫn còn là những dự án đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu vẫn còn những đoạn trò chuyện hơi hài hước và mang màu rùng rợn như Bing từng thực hiện, thì chắc chắn mọi người sẽ còn e dè với AI.
Thậm chí khi những lỗi ban đầu này đã được chỉnh sửa, thì vẫn còn những chướng ngại về pháp lý trong việc ứng dụng AI.
Một điểm nữa cần lưu ý ở AI, theo cách nói của John Oliver (người dẫn chương trình Last Week Tonight), đó là không phải AI không thông minh, mà là đôi khi nó ngu ngốc theo cách mà người ta không lường trước được. Còn chưa kể AI có xu hướng mang theo định kiến trong những nội dung mà nó tạo ra.
Bất chấp những hạn chế từ công nghệ AI ở thời điểm này, ông Yusuf Mehdi, Giám đốc tiếp thị tiêu dùng Microsoft, cho biết đây là lúc thích hợp để tích hợp AI vào sản phẩm. Ông giải thích rằng phòng thí nghiệm không thể cho ra một sản phẩm hoàn hảo. Muốn hoàn hảo thì sản phẩm phải được đưa vào thực tiễn, được mọi người kiểm tra, đánh giá.
Một số người khác thì cho rằng chính áp lực cạnh tranh đã khiến các công ty đua nhau đầu tư vào AI mà không màng đến những biện pháp bảo vệ cần thiết. Khi tiền đầu tư càng nhiều, thì họ càng liều lĩnh hơn.
Bên cạnh đó, còn có một số người lo lắng rằng công cụ AI tạo sinh (generative AI) quá mạnh và quá khó dự đoán, không thích hợp cho việc thử nghiệm công khai toàn cầu.
Quân Bảo