Là con người cần phải có giá trị sống đích thực. Là doanh nhân, ngoài giá trị sống đích thực cần có triết lý kinh doanh, triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo đúng đắn. Mỗi doanh nghiệp cần có giá trị cốt lõi, tầm nhìn, triết lý kinh doanh, triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo đúng đắn.

do-cao-bao

 

Giá trị sống đích thực của con người như gốc rễ của cây. Giá trị cốt lõi, tầm nhìn, triết lý kinh doanh, triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo của doanh nghiệp giống như gốc rễ của doanh nghiệp.

Gía trị sống của con người

Giá trị sống là những điều mà chúng ta cho là quý giá, là quan trọng, là có ý nghĩa, là quan trọng, là có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người. Giá trị sống trở thành động lực để người ta nỗ lực phấn đấu suốt cả đời người.

Giá trị sống mang tính cá nhân, nên giá trị sống của mỗi người không nhất thiết phải giống nhau, nhưng giá trị sống đích thực bao giờ cũng là những giá trị chung nhất cho nhiều người, cho toàn xã hội, dù ở bất cứ quốc gia nào, đó là hòa bình, tự do, hạnh phúc, tôn trọng trách nhiệm, công bằng, đồng đội – bằng hữu, trung thực – trung tín, yêu thương – tốt bụng, hào phóng, nhân từ – bao dung – vị tha.

Ngay từ 3.000 năm trước, vua Solomon, vị vua của Israel cổ đại, người giàu có và thông thái nhất thế gian đã đúc kết ra 4 phẩn chất giúp mỗi người trở lên vô giá, như viên kim cương tỏa sáng ở bất cứ đâu và giúp họ thành công, hạnh phúc trong cuộc sống, đó là: trung thực – trung tín, yêu thương – tốt bụng, nhân từ – vị tha và hào phóng.

Triết lý của doanh nhân

Doanh nhân trước hết cũng là một con người nên phải có giá trị sống đích thực, ngoài ra cần phải có những giá trị khác nhau trong mối quan hệ với nhân viên, cộng sự, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư, cộng đồng, cơ quan quản lý của các cấp.

Điều này có ý nghĩa là doanh nhân cần có triết lý kinh doanh, triết lý quản trị, triết lý lãnh đạo và triết lý này phải được thực hiện nhất quán, mọi lúc, mọi nơi ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù kinh doanh thuận lợi hay kinh doanh gặp khó khăn.

Triết lý kinh doanh của doanh nhân cũng mang tính cá nhân, nên nó không nhất thiết phải giống nhau, nhưng những doanh nhân thành công nhất thường có những triết lý kinh doanh gần giống nhau, đó là những triết lý chung nhất cho giới doanh nhân.

Chân thành, chân tình trong tất cả các mối quan hệ, từ quan hệ với nhân viên, cộng sự, đồng nghiệp đến khách hàng, đối tác. Không dùng thủ đoạn, mưu mô, khéo léo trong ngôn từ để đạt được kết quả nhanh, để giành lợi thế cho riêng mình. Tin tưởng sâu sắc nếu không chân thành thì trước sau người khác cũng biết. Đấy chính là triết lý đầu tiên của doanh nhân.

fpt

 

Là doanh nhân tất nhiên phải quan tâm đến lợi nhuận của công ty, quyền lợi của cá nhân mình, nhưng trước hết phải quan tâm đến lợi ích của khách hàng, của đối tác. Cần tin tưởng sâu sắc rằng chỉ khi khách hàng, đối tác có lợi ích thì quan hệ hợp tác mới lâu bền và khi ấy thì doanh số và lợi nhuận sẽ tự đến; nếu khách hàng, đối tác không có lợi thì mối quan hệ trước sau cũng đi xuống. Đấy chính là triết lý kinh doanh thứ hai của doanh nhân.

Ai làm kinh doanh cũng nói đến chữ Tín, nhưng không phải ai cũng hiểu chữ Tín một cách chuẩn xác. Chữ Tín nếu chỉ ở trong tâm thôi thì chưa đủ, mà chữ Tín còn bao gồm cả năng lực của cá nhân, của cả tổ chức để thực hiện các cam kết đã hứa với khách hàng, đối tác. Chữ Tín là một quá trình được đào tạo nên thông qua quá trình lâu dài, thực hiện đầy đủ các cam kết, vì thế chữ Tín như một viên ngọc long lanh, dễ vỡ, cần được gìn giữ như một báu vật. Đấy chính là triết lý kinh doanh thứ ba của doanh nhân.

“Giàu vì bạn” là một nguyên lý rất đúng với doanh nhân. Đúc kết ở Mỹ, “85% thành công trong kinh doanh là nhờ các mối quan hệ”, là một đúc kết rất có giá trị. Không phải bỗng dưng mà người ta đúc kết: Học ở các trường đại học danh tiếng thì 50% là kiến thức còn 50% chính là xây dựng mạng lưới (network) bạn bè.

Muốn kinh doanh, muốn bán được hàng phải có nhiều đối tác, nhiều bạn hàng, nhiều khách hàng. Muốn học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, lãnh đạo, học hỏi về công nghệ, phải học qua thực tế, học từ những đối tác, bạn hàng, cộng sự…

Tất cả những điều ấy đều nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, nhờ các mối quan hệ tốt đẹp. Kinh doanh bản chất là “xây dựng, phát triển và duy trì các mối quan hệ”. Đây chính là triết lý kinh doanh thứ tư của doanh nhân.

Tâm và tầm của người lãnh đạo

Làm lãnh đạo cần phải công tâm, đánh giá nhân viên qua kết quả công việc; sử dụng, đề bạt, cất nhắc, đãi ngộ cấp dưới thuần tú dựa trên phẩm chất và năng lực, không vì thân quen, không vì hợp tính, hợp nết, không vì đệ tử của mình hay đệ tử của lãnh đạo khác. Đấy chính là triết lý đầu tiên của lãnh đạo.

Lãnh đạo có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng riêng một thứ không thể từ bỏ, đó là trách nhiệm: khi thành công thì phải đánh giá đúng đóng góp, vai trò của các cộng sự, khi thất bại thì phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Giống như một thuyền trưởng có thể không quý mạng sống của mình, nhưng nhất định phải quý mạng sống, an toàn của hành khách, anh ta phải có trách nhiệm lái con tàu vượt qua giông bão, đưa hành khách vào bờ an toàn. Lãnh đạo có thể từ mọi mọi thứ, riêng trách nhiệm thì không, đó là triết lý thứ hai của người lãnh đạo.

Lãnh đạo đã hứa thì nhất định phải thực hiện, kể cả hứa với nhân viên, dù để thực hiện lời hứa đó có thể mất nhiều công sức, thời gian, thậm chí là tiền bạc. Lẽ đơn giản, nếu không thực hiện, thì lần sau nhân viên còn ai có niềm tin, có động lực với một lời hứa khác của lãnh đạo. Đấy là triết lý thứ ba của người lãnh đạo.

Thực tế cho thấy, trên con đường vươn ra “biển lớn”, đã có không ít doanh nhân đã khẳng định tài năng, uy tín trong cộng đồng, không ít doanh nghiệp đã xây dựng được triết lý kinh doanh, trụ vững trên thương trường. Do vậy, nếu coi doanh nghiệp như con tàu thì doanh nhân là thuyền trưởng, thì người thuyền trưởng phải có tầm nhìn, có kinh nghiệm để dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua phong ba bão táp, nhất là trong bối cảnh hội nhập và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện tại.

– Thành viên hội đồng sáng lập, Phó Tổng Giám đốc FPT