Lâu nay nhiều người Việt cho rằng Việt Nam kém hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, lý do các bạn đưa ra là do thể chế, do tham nhũng, hạ tầng giao thông chưa tốt, chi phí logicstic quá cao….
Nghe những lý do ấy, rất nhiều bạn cảm thấy có vẻ đúng. Rất may tôi đã học được một nguyên lý rất quan trọng khi xây dựng hệ thống chất lượng quốc tế là: “Không tin vào những nhận định, đánh giá mang tính cảm tính, chỉ tin vào bằng chứng khách quan, mà bằng chứng khách quan nhất là số liệu (có kiểm chứng)”.
Trong bài viết “Apple không bỏ chọn Việt Nam, Samsung không bỏ sang Ấn Độ”, phần cuối bài tôi có đưa ra một nhận định về thu hút đầu tư nước ngoài “Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều nước khác”. Có 2 bằng chứng khách quan để khẳng định nhận định đó là (1) số vốn đầu tư nước ngoài và (2) số hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam so với các nước. Cả 2 yếu tố ấy Việt Nam đều tốt hơn nhiều nước.
Vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn
Theo thống kê của Statista thì tổng số vốn đầu tư nước ngoài trong 7 năm gần nhất (2013-2019) của Việt Nam, các nước Asean và Ấn Độ như sau: Việt Nam: 92,48 tỷ USD, 7,8% GDP; Thái Lan: 60,21 tỷ USD, 1,2% GDP; Malaysia: 61,51 tỷ USD, 2,1% GDP; Indonesia: 126,93 tỷ USD, 2,1% GDP; Singapore: 508,95 tỷ USD,25,4% GDP; Philippines: 51,45 tỷ USD, 2,1% GDP; Myanmar: 17,47 tỷ USD, 3,8% GDP; Ấn Độ: 218,74 tỷ USD, 1,36% GDP.
Như vậy vốn đầu tư nước ngoài FDI (chỉ tính đã giải ngân, không tính cam kết) trong 7 năm gần nhất (2013-2019), Việt Nam chúng ta vượt trội Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar cả về giá trị tuyệt đối, cả về tỷ trọng đầu tư FDI so với qui mô nền kinh tế. Chúng ta tuy thua Ấn Độ và Indonesia về giá trị tuyệt đối nhưng tính tỷ trọng đầu tư FDI so với qui mô nền kinh tế thì chúng ta cao hơn 3,7 đến 5,7 lần.
Xuất khẩu vượt trội
Khi đầu tư FDI vào một quốc gia, hiển nhiên các nhà đầu tư đặt mục đích thu được lợi nhuận, thông qua tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Sau đây là con số giá trị hàng hoá xuất khẩu và tỷ trọng xuất khẩu so với qui mô nền kinh tế (Tổng GDP quốc gia) năm 2019: Việt Nam: 304,3 tỷ USD, 116,32%; Thái Lan: 245,4 tỷ USD, 48,07%; Malaysia: 238,2 tỷ USD, 42,28%; Indonesia: 183,5 tỷ USD, 16,51%; Singapore: 390,4 tỷ USD, 107,61%; Philippines: 70,3 tỷ USD, 19,70%; Myanmar: 2,28 tỷ USD, 3,45%; Ấn Độ: 322,8 tỷ, 10,99%.
Như vậy tính về hàng hoá xuất khẩu, Việt Nam cũng vượt trội Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar cả về giá trị lẫn tỷ trọng xuất khẩu trên qui mô nền kinh tế (GDP quốc gia), chúng ta chỉ kém duy nhất Singapore về tổng giá trị nhưng lại vượt qua Singapore về tỷ trọng xuất khẩu trên tổng GDP quốc gia (mới vượt qua năm 2019, trước đó kém hơn).
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người Việt chúng ta lại thấy chúng ta có rất nhiều điểm dở, cần phải thay đổi, cần phải nỗ lực nhiều hơn mà kết quả số vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, con số hàng hoá xuất khẩu lại nhiều hơn các nước khác. Mà con số là kết quả cuối cùng, không thể chối cãi, nó có giá trị cao hơn rất nhiều những suy đoán cảm tính.
Đỗ Cao Bảo