Cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – PV Power ( POW:HOSE) tiếp tục bị bán tháo, dù tình hình sản xuất kinh doanh khá sáng sủa.
Cho đến phiên giao dịch ngày 3/2/2020, cổ phiếu POW tiếp tục bị điều chỉnh về vùng giá thấp nhất trong nhiều tháng qua, tương ứng với 11.900 đồng/cổ phiếu với thanh khoản hết sức bèo bọt. Nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ nặng khi đã trót đầu tư vào cổ phiếu POW từ vùng giá 15.000-17.000 đồng/cổ phiếu.
Tính đến thời điểm này, các cổ đông lớn của POW cũng đã lần lượt dứt áo ra đi. Đặc biệt đầu tháng 10/2019, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã bán ra gần 1,3 triệu cổ phiếu POW, qua đó giảm lượng nắm giữ xuống còn xấp xỉ 117 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,9974%.
Với việc giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý không còn là cổ đông lớn tại POW và các giao dịch sau này không còn phải công bố thông tin.
Trong năm 2019, giá cổ phiếu POW đã giảm mạnh khoảng 40% so với đầu năm và đây cũng là vùng giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua, mặc dù doanh nghiệp này vừa công bố cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực.
Dù kết quả kinh doanh cả năm 2019 của POW chưa được công bố, song sản lượng điện của Công ty đến thời điểm 17/12/2019 đạt 21.617 triệu kWh, đạt 100% kế hoạch năm, về đích trước 14 ngày. Doanh thu toàn Tổng công ty cả năm ước đạt 35.884 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch năm; Doanh thu Công ty mẹ ước đạt 25.036 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 1.511 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Mạnh Tùng- Nhà đầu tư sàn MBS, cho rằng nhiều nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu POW khiến giá cổ phiếu này rớt về vùng giá hơn 11.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, cơ cấu tài chính của POW cũng làm nhiều nhà đầu tư e ngại. Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, tổng nợ của POW là 30.783 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn 19.618 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, các khoản vay lớn của POW đến từ Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Citibank, Ngân hàng Credit Agricole Corporation -Investment, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam…
Do nhu cầu đầu tư các dự án Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và Luang Prabang, nên các chuyên gia tài chính cho rằng, nợ vay của POW có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. POW sở hữu danh mục nhà máy điện khổng lồ tập trung ở khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam. Gần như toàn bộ lượng điện thiếu hụt được dự báo diễn ra ở miền Nam, nơi tập trung 64% công suất của POW. Do đó, những nhà máy điện của POW sẽ được ưu tiên huy động tối đa công suất.
Các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng Khoán Rồng Việt dự báo, thời tiết khô hạn kéo dài khiến các nhà máy thuỷ điện lớn gặp khó trong tăng trưởng sản lượng năm 2020. Năm 2019, sản lượng của nhóm thuỷ điện giảm 18,3% so với cùng kỳ, buộc EVN phải huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với giá vốn cao.
Trong trung hạn, xác suất El Nino vẫn được dự báo cao hơn La Nina, điều này đồng nghĩa với khả năng cao nhóm nhà máy thuỷ điện vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhóm nhà máy thuỷ điện nhỏ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do không phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh.
Trong số các doanh nghiệp niêm yết sở hữu nhà máy thuỷ điện nhỏ, chỉ PC1 có khả năng tăng trưởng khá tích cực trong năm 2020; các nhà máy thuỷ điện lớn như POW… với cơ cấu cồng kềnh, nợ vay lớn sẽ rất khó gượng dậy nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi. Điều này sẽ dẫn tới kinh doanh khó khăn và giá cổ phiếu khó bứt phá trong năm nay.