Làn sóng tăng giá nhà đất, nhất là sau mức giá kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2 được xác lập qua đấu giá tại Thủ Thiêm đã làm nóng sàn chứng khoán kéo cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh.
Cổ phiếu “rủ nhau tăng nóng”
Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán thời gian qua ghi nhận sự bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ cả về khối lượng giao dịch và số lượng nhà đầu tư, đặc biệt là sự tăng trưởng đột biến của lượng nhà đầu tư mới (F0).
Nhắc tới thị trường chứng khoán trong hơn hai tháng gần đây, bất động sản là cái tên nổi trội nhất. Nhóm này “im hơi lặng tiếng” trong giai đoạn cổ phiếu của các doanh nghiệp ngân hàng và thép “làm mưa, làm gió” trên thị trường. Tuy nhiên, khi mặt bằng giá của những nhóm này trở nên cao hơn thì cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu được chú ý.
Giới chuyên gia phân tích ngành bất động sản dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch, liên quan đến sức cầu của thị trường và việc triển khai dự án nhưng mức giá thấp trong bối cảnh dòng tiền lớn đổ vào thị trường khiến cổ phiếu bất động sản vẫn trở nên hấp dẫn.
Giới phân tích nhận định, sức hút của doanh nghiệp bất động sản không nhìn từ kết quả kinh doanh các quý đã qua, mà kỳ vọng rằng thị trường đã chạm đáy và kết quả sẽ tích cực hơn trong các quý tới. Ngoài ra một số doanh nghiệp có quỹ đất lớn cũng được chú ý khi thị trường ghi nhận những phiên đấu giá kỷ lục gần đây.
Chẳng hạn cổ phiếu bất động sản đã tăng “bằng lần” vừa qua là CEO của Công ty CP Tập đoàn C.E.O. Theo đó, vào đầu tháng 11/2021 cổ phiếu CEO chỉ giao dịch quanh ngưỡng 11.000 – 12.000 đồng nhưng đến phiên ngày 23/12 đã có lúc cổ phiếu này tăng đến mức 69.000 đồng. Sau đó, điều chỉnh giảm về mức 58.000 đồng/cổ phiếu (ngày 24/12).
Tương tự, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng chứng kiến đà tăng “phi mã” thời gian qua khi khởi đầu từ vùng giá 30.000 đồng, đến nay gấp hơn ba lần. Vào phiên giao dịch ngày 22/12, cổ phiếu DIG đã đạt chạm mức giá 99.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, DIG đã điều chỉnh về mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/12.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu họ Sông Đà tăng tính bằng lần chỉ trong vài tháng. Các doanh nghiệp bất động sản nhóm dầu khí cũng bật cao dù thị giá trước đó chỉ ngang “trà đá, mớ rau”. Một số doanh nghiệp ít được chú ý, giao dịch dưới 10.000 đồng cũng lần đầu trở lại mệnh giá sau nhiều năm.
Theo nhận định của giới đầu tư “con sóng” tăng giá cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thể vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, tuy nhiên đà tăng sẽ không đồng đều và phụ thuộc nhiều hơn vào tình hình nội tại của doanh nghiệp.
Theo thống kê, trong khoảng 1 tháng trở lại, nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận mức tăng trung bình từ 50-200%. Nếu so với thời điểm đầu năm, nhiều mã còn ghi nhận mức tăng hàng chục lần.
Thậm chí, trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay, bất cứ mã chứng khoán nào liên quan đến bất động sản, dù đang làm ăn thua lỗ cũng trở thành “hàng nóng” được NĐT tranh mua bằng mọi giá, nhiều mã cổ phiếu bất động sản đang giao dịch ở mức giá chót vót từ 100.000-200.000 đồng/CP. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn một vài mã CP bất động sản đang giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Điều đáng nói là sau phiên “đồng khởi” ngày 13/12 khi diễn ra phiên đấu giá kỷ lục đất Thủ Thiêm sau đó nhiều mã cổ phiếu bất động sản bất ngờ quay đầu giảm mạnh ở các phiên tiếp theo.
Nhận định về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022 và 2023. Đáng chú ý, hiện tại nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn rất cao, thúc đẩy thị trường phục hồi mạnh, tiếp tục gia tăng giá và hút vốn.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ ra rằng, dư địa phát triển dành cho bất động sản còn nhiều. Tỷ trọng ngành bất động sản của Việt Nam năm 2020 chỉ mới đạt 20,89 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP cả nước. Bên cạnh đó, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến hết tháng 11, tổng vốn ngoại đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản đã đạt gần 2 tỷ USD, tiếp tục trụ vững ở vị trí thứ ba trong nhóm các lĩnh vực.
Nhìn chung, các chuyên gia phân tích chia sẻ quan điểm cho rằng xét dưới góc độ vĩ mô vẫn có tiềm năng tăng giá cho các cổ phiếu bất động sản trên thị trường, tuy nhiên thị trường sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ hơn và chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp có “nội lực” mới giữ được giá và có sự tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Cổ phần Chứng khoán KBSV, các nhà đầu tư cần xem xét quỹ đất của doanh nghiệp có khả năng kỳ vọng hay không, từ đó mới chuyển hóa được kỳ vọng thành giá trị cho cổ đông.
Các chuyên gia trong ngành chứng khoán cũng lưu ý các nhà đầu tư về việc thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn giao dịch sôi động, người mua lẫn người bán ra vào tấp nập làm cho thị trường lên xuống “thất thường” nên giai đoạn này vẫn tiềm ẩn rủi ro vì cổ phiếu có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào, nhất là những cổ phiếu bất động sản đã tăng nóng thời gian qua.
Đại diện bộ phận phân tích công ty chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) mới đây nhận định việc đầu tư vào cổ phiếu bất động sản bất chấp sức khoẻ của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh lỗ liên tiếp sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư khi dòng tiền sẽ đến lúc phân hoá, chuyển qua những cổ phiếu có yếu tố nội tại tốt.
Vị chuyên gia tại MBS khuyến cáo các nhà đầu tư phải hiểu biết kỹ thuật, nên tìm hiểu doanh nghiệp có cổ phiếu mình muốn đầu tư để tránh tình trạng “đu giá” những cổ phiếu có tình hình kinh doanh kém khả quan ở thời điểm thị trường nóng như hiện nay.
Lê Sáng