Dù kết quả kinh doanh của Công ty CP Nam Việt (HoSE: ANV) vẫn khá tích cực, nhưng giá cổ phiếu ANV vẫn “cắm đầu” lao dốc trong thời gian qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, giá cổ phiếu ANV đã giảm xuống mức 21.400 đồng/cp. Như vậy, so với cách đây khoảng 1 tháng, giá cổ phiếu ANV đã giảm tới 10,8%.
Trước đà lao dốc của cổ phiếu ANV, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này đã mua thành công 2,8 triệu cổ phiếu ANV. Như vậy, ông Doãn Tới đã mua đúng 2,8 triệu cổ phiếu ANV như đã đăng ký trước đó, nâng lượng sở hữu từ 54,5 triệu cổ phiếu (50,58% vốn) lên thành 67,3 triệu cổ phiếu (52,77% vốn).
Việc cổ phiếu ANV giảm mạnh là điều khá nghịch lý khi kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2019 của ANV so với mặt bằng chung toàn ngành là khá khả quan.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất quý 3 tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 1.127 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế tăng 34%, lên 152,8 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lãi sau thuế của ANV đạt lần lượt 3.102 tỷ đồng và 506 tỷ đồng, tăng 13% và gần 65% so với cùng kỳ 2018. Theo đó, Công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch về doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019.
Ông Nguyễn Trọng Hữu, Trợ lý ban Tổng Giám đốc ANV cho biết công ty hiện có 3 nhà máy được thiết kế với công suất 600 tấn/ngày. ANV đang tập trung mạnh cho dự án chiến lược là vùng nuôi Bình Phú, có diện tích 600 ha, trong đó Công ty sở hữu 500 ha. Dự án Bình Phú sẽ là đòn bẩy giúp ANV khép kín hoàn toàn chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy lợi nhuận trong tương lai.
Không chỉ với dự án Bình Phú, việc tự chủ 100% cá tra nguyên liệu đầu vào là động lực chính giúp ANV kiểm soát tốt biên lợi nhuận gộp. Trong giai đoạn 2015- 2018, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường có xu hướng tăng, nhưng nhờ khả năng có thể cung cấp toàn bộ lượng cá tra thương phẩm thông qua hoạt động nuôi trồng để phục vụ sản xuất, đã giúp ANV hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 15% lên mức 21%, cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với trung bình các doanh nghiệp trong ngành.
Theo FPT Securities, xuất khẩu cá tra của ANV sang thị trường EU chiếm khoảng hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Do đó, ANV sẽ được hưởng lợi khi thuế suất xuất khẩu của các mặt hàng cá tra phi-lê giảm về 0% từ mức 5,5- 9% theo lộ trình sau 3 năm hiệp định có hiệu lực (dự kiến năm 2020).
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu cá tra của ANV sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh sau khi hợp tác với Shanghai Fenglei International Trading từ giữa năm 2018. Tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2019, doanh thu của ANV từ thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu của ANV. Tuy nhiên, việc hợp tác độc quyền với một đối tác duy nhất tại thị trường chính khiến kết quả hoạt động xuất khẩu của ANV phụ thuộc lớn vào tình hình thương mại giữa ANV và đối tác này.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Thái Lan cũng là thị trường cũng được đánh giá là tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu cá tra của ANV tại khu vực châu Á nhờ nhu cầu ổn định cũng như sự hỗ trợ từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) khi thuế xuất-nhập khẩu mặt hàng cá tra phi-lê đông lạnh ở mức 0%. “Chúng tôi kỳ vọng ANV sẽ tiếp tục phát triển ổn định tại thị trường Thái Lan dựa trên các ưu đãi và lợi thế hiện có, ước tính doanh thu mỗi năm từ thị trường này đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của ANV” – FPT Securities cho biết.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, sở dĩ giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cá tra nói chung và ANV nói riêng không hút được dòng tiền là do triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp này không mấy khả quan.
Ngoài giá xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh, rào cản kỹ thuật và thương mại tại các thị trường xuất khẩu cũng tiềm ẩn rủi ro đối với ANV. Ngoài các quy định ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, một số thị trường còn áp đặt hàng rào thương mại nhằm bảo hộ hoạt động sản xuất trong nước. Điển hình tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu thuế chống bán phá giá (CBPG) kể từ năm 2003 cho đến nay. Theo đó, ANV đang chịu mức thuế POR14 bằng với mức thuế suất áp dụng cho toàn quốc là 2,39 USD/kg khi xuất khẩu cá tra vào thị trường này.
Cuối năm 2019, Mỹ đã công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ POR15 xuống còn 0%, nhưng đây mới chỉ là kết quả rà soát sơ bộ và phải đến tháng 2/2020 mới có kết quả chính thức.
Đặc biệt, xuất khẩu giảm còn có nguyên nhân từ việc nhiều nước cũng bắt đầu nuôi cá tra nên tạo ra áp lực cạnh tranh đối với cá tra Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đang có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn và Trung Quốc là 10.000 tấn.
Tính đến thời điểm cuối quý 3/2019, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của ANV là 1.427 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% tổng tài sản, tăng 13% so với cuối năm 2018. FPT Securities dự phóng nợ vay của ANV có khả năng tiếp tục tăng trong bối cảnh công ty đang cần nguồn tài trợ cho dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú (vốn đầu tư dự kiến là 4.000 tỷ đồng). Điều này sẽ làm gia tăng áp lực trả nợ gốc và lãi vay của ANV.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, Stochastic, RSI, ADX… vẫn đang cho thấy tín hiệu điều chỉnh của cổ phiếu ANV, dù cổ phiếu này đã nằm trong vùng vượt bán. Đặc biệt đường MA50 tiếp tục cắt xuống dưới MA100 và MA200. Theo đó, nếu vượt qua 23.500 đồng/cp (MA50), thì giá cổ phiếu ANV sẽ tiếp tục phục hồi lên mức 26.000 đồng/cp (MA200). Tuy nhiên, nếu không vượt qua MA200, thì giá cổ phiếu ANV sẽ quay đầu giảm xuống 18.000- 20.000đ/cp.