Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp ngày 1/4.

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào chiều 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việc hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần như một chiếc lò xo bị nén, chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng”.

Theo đó, để bảo đảm an sinh xã hội mùa dịch, Thủ tướng và Chính phủ đã thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng số tiền ước tính ban đầu khoảng 28 – 30 nghìn tỷ đồng, cả ngân sách Trung ương và địa phương.

Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, người lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn nhất phải dừng kinh doanh, người lao động tự do, không có việc làm…

Cụ thể như hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ 3 tháng (tháng 4, 5, 6). Hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.

Hỗ trợ người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương giảm thu nhập thì mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng (tức 50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ cho 3 tháng 4,5,6.

Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh gặp khó khăn nhất do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/tháng trong ba tháng 4,5,6. Hỗ trợ người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm, mức 1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng 4,5,6.

Song song, Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

Nguyên tắc hỗ trợ: Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Dân gian ta có câu “Hoạn nạn mới biết lòng nhau, nhà nghèo mới hay con thảo”. Và những việc làm của Chính phủ, những chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác điều hành đối phó với “giặc dịch” cho đến nay vừa minh chứng cho một tinh thần “bầu – bí” của con người Việt Nam, vừa cho thấy một Chính phủ, Nhà nước vì dân, do dân luôn tồn tại hiện hữu.

Thế nên, hẳn ai cũng động lòng khi đọc, nghe lời nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rằng: “Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cho nên, về vấn đề kinh tế, muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khoẻ của nhân dân”.

Nhìn rộng ra để thấy, tính nhân văn, nghĩa tình của Chính phủ Việt Nam, người dân Việt Nam còn được hiện thực hóa trong các mối quan hệ bạn bè quốc tế khi nước họ cũng phải đối mặt với dịch họa. Trong đại dịch COVID-19 này, chiến đấu với dịch bệnh chi phí không ít, trong khi nước ta không phải là nước giàu trên bảng đồ thế giới, mọi chi tiêu đều được cân nhắc rất kỹ.

Việc Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đưa máy bay sang Vũ Hán, Châu Âu để đón đồng bào mình về; tất cả chi phí chữa bệnh và thời gian ăn, ở cách ly đều miễn phí; lại còn “thắt lưng buộc bụng” sẻ chia cho các nước láng giềng đang khốc liệt chiến đấu, với số người chết thay đổi liên tục đã thể hiện rõ sự nhân văn, vì dân của Chính phủ.

Nghĩa cử cao đẹp này cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng – bạn bè quốc tế, trong xu hướng dịch bệnh chưa được đẩy lùi.

Vậy nên, nếu có ai đó hỏi, có quốc gia nào đặt tính mạng người dân lên trên hết, tôn trọng và quý giá sự sống, sẵn sàng đánh đổi tất cả để đem đến sự bình an cho người dân, ứng xử văn minh – nghĩa tình với người bạn láng giềng… tin rằng triệu triệu người sẽ có cùng một câu trả lời: Đó là Việt Nam!

Đây cũng là lý do vì sao người dân Việt Nam luôn có cơ sở, có niềm tin đất nước Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua các biến động, bình yên trong giông bão, và tiếp tục phát triển lớn mạnh, hùng cường.