Theo dự báo của một số chuyên gia, năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn do tác động của lạm phát toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, lãi suất vay lại tăng mạnh.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt kim ngạch 11 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD và cá ngừ chạm mốc 1 tỷ USD. Đây là nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời cho thấy sự ưa chuộng của quốc tế với sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả khả quan, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng, cho biết: “Doanh số xuất khẩu sẽ bị chững lại khi khách hàng từ chối đặt hàng do sức mua của người dân ở nước họ sụt giảm nghiêm trọng”. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đứng trước khó khăn, đây là thời điểm doanh nghiệp tự tái cơ cấu, quản trị hàng tồn kho tốt hơn, đầu tư tập trung khi vốn tín dụng có hạn. Hiện lĩnh vực chế biến thủy sản Việt Nam có chỗ đứng nhất định trên thế giới, do đó doanh nghiệp đang chuyển hướng chiếm lĩnh thị phần cao cấp để nâng tỷ suất lợi nhuận cho các sản phẩm chế biến.
Đánh giá về cơ hội và thách thức đối với mặt hàng cá tra nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam tại thị trường Mỹ trong năm 2023, Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho rằng những khó khăn nảy sinh từ nửa cuối năm 2022 có thể sẽ tiếp tục chi phối sang năm 2023 do kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát tại Mỹ dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, cộng thêm yếu tố biến động tỷ giá và cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ có chi phí thấp, giá bán rẻ.
Tuy nhiên, dự báo ở năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn do tác động của lạm phát toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, lãi suất vay lại tăng mạnh. Sớm nhận diện những khó khăn trong năm 2023, nên doanh nghiệp ngành thủy sản cũng đang tính toán việc cắt giảm chi phí; thay đổi nguồn nguyên liệu, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản; cơ cấu lại hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đang mở thêm nhiều cơ hội, hướng đi mới cho ngành thủy sản. Tận dụng hiệu quả cơ hội này, nhiều DN ngành thủy sản ý thức phải kiểm soát chặt chẽ vệ sinh vùng nuôi; phải nâng tỷ lệ nuôi thành công để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều tuy nhiên vẫn có không ít thách thức, trong đó những vấn dề lớn đặt ra ở năm 2023 đối với ngành thủy sản đó là nguồn vốn, sự linh hoạt trong tìm kiếm nguyên liệu; tìm kiếm thị trường, các giải pháp liên quan đến logistics.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giữ đà tăng trưởng, chiến lược ngành thủy sản năm 2023 sẽ chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững. Quan trọng, đời sống nông, ngư dân được nâng cao sẽ góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Phát triển thủy sản bền vững là căn cốt nhất, đồng thời làm tốt bảo tồn, chế biến theo công nghệ cao, thêm giá trị gia tăng gắn với xúc tiến thị trường, đi theo chuỗi khép kín, thì chúng ta sẽ có sự phát triển bền vững, khẳng định đạt được mục tiêu chiến lược đề ra”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiến lược nuôi trồng thủy sản từ nay tới năm 2030 là 7 triệu tấn/năm, năm nay đã đạt trên 4,7 triệu tấn, tăng gần 7,2% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, số lượng khai thác chỉ có 2,8 triệu tấn, tương đương giảm 2,1%.
Trước đó, Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản đang chịu tác động, hệ lụy của dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản. Để đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng mạnh, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến khâu nuôi trồng đạt chất lượng cao.
“Vấn đề về thức ăn cũng như một số vấn đề liên quan đến phòng bệnh trên cơ sở cũng phải cần quan tâm tạo ra một hệ thống quan trắc tốt nhất nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi trong quá trình họ nuôi trồng thủy sản. Rất quan trọng là vấn đề quy hoạch một diện tích đất tương ứng để phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản, cần phải có một chính sách nhất quán và tính đến chuyện lâu dài, trên cơ sở đó người ta có thể canh tác một cách ổn định và có được sự đầu tư đúng mức trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Hòe nói.
Thanh Mai