Chuyển tới nội dung

Cơ hội từ tiêu dùng bền vững

Khi tiêu dùng bền vững thực sự trở thành xu hướng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần những bước đi đổi mới để chuyển dịch và tận dụng cơ hội lớn.

Tuy nhiên trong những giai đoạn khó khăn của các nền kinh tế, việc hiện thực hóa cơ hội từ tiêu dùng bền vững cũng vấp phải không ít khó khăn.

Các nghiên cứu hàng đầu thế giới đều cho thấy mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng với sản phẩm bền vững.

Doanh nghiệp khó nhưng sẵn sàng

Báo cáo của McKinsey năm 2024 chỉ ra rằng ngay cả tại châu Âu – nơi người tiêu dùng nổi tiếng với lối sống “xanh” – nhiều người đã phải giảm chi tiêu cho hàng hóa hữu cơ để ưu tiên các nhu yếu phẩm từ cơn sốt lạm phát từ năm 2022.

Ở Việt Nam, bài toán cân bằng giữa tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường cũng không dễ giải, đặc biệt khi chi phí đầu tư vào sản phẩm bền vững thường cao hơn đáng kể.

Bà Nguyễn Thanh Giang, CEO Vietnam Brand Purpose, thừa nhận: “ESG là một vấn đề rất khó để thực hiện, đòi hỏi sự đầu tư lớn và không ít thiệt thòi ban đầu.” Điều này trở thành thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đang đối mặt với bài toán tài chính eo hẹp.

Đồng sáng lập Every Half Coffee Roasters, ông Trần Lê Minh Trúc, lấy ví dụ việc sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn khiến chi phí của công ty tăng tới 50%, từ đó ảnh hưởng đến giá bán trên thị trường.
Dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn kiên định với con đường này, xem đây là chiến lược tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

“Bền vững hiện không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành điều bắt buộc,” bà Giang nhấn mạnh và cho biết thêm, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với thị trường toàn cầu, những tiêu chuẩn ESG không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn.

Thay đổi nhận thức tiêu dùng

Không chỉ có doanh nghiệp, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam cũng đang thay đổi rõ rệt. Khảo sát mới nhất của MetrixLab cho thấy 75% người tiêu dùng tại Việt Nam đã quen thuộc với khái niệm bền vững, và 81% cho rằng các nỗ lực bền vững của thương hiệu ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng của họ.

Dù vậy, từ suy nghĩ tới hành động luôn là một hành trình dài. Chính CEO MetrixLab, ông Phil Worthington thừa nhận: “Kết quả khảo sát là những gì người tiêu dùng tuyên bố, chứ chưa chắc là những gì họ thực sự làm. Hiện tượng này gọi là khoảng cách giữa giá trị và hành động. Dựa trên các nghiên cứu toàn cầu, con số này chỉ khoảng 10%, dù có thể dao động tùy theo từng thị trường cụ thể.”

Bà Hannah Tưởng-Jefferys, CEO của Saigon Cider, nói rằng: “Ở Việt Nam, hành động tiêu dùng bền vững vẫn chưa triệt để. Bạn có thể thấy túi nilon và chai nhựa khắp mọi nơi. Tôi luôn ưu tiên sản phẩm bền vững trong chi tiêu của mình. Nhưng khi ra chợ và chỉ có một loại túi nilon, tôi không có lựa chọn nào khác”.

Như vậy, giải pháp không chỉ dừng lại ở việc giáo dục người tiêu dùng, mà chính doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc đưa ra những giải pháp sáng tạo và thực tế, giúp người tiêu dùng cảm thấy việc tiêu dùng bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là một lựa chọn dễ dàng và có lợi ích cụ thể.

Khảo sát mới nhất của MetrixLab cho thấy 75% người tiêu dùng tại Việt Nam đã quen thuộc với khái niệm bền vững.

Hướng đi cho các thương hiệu Việt

Tổng kết từ nhiều năm nghiên cứu, bà Tuệ Tri, đồng sáng lập và Cố vấn Vietnam Brand Purpose nói rằng những chiến lược sau có thể giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu bền vững, tạo ra sức hút cho người tiêu dùng.

Thứ nhất là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá giá trị bền vững của sản phẩm, đồng thời giáo dục người tiêu dùng về lợi ích lâu dài của lối sống này. Các hoạt động như tận dụng mạng xã hội, tổ chức hội thảo và các chương trình cộng đồng sẽ giúp thông điệp lan tỏa hiệu quả hơn.

Thứ hai là xây dựng cộng đồng hỗ trợ. Việc kết nối các cá nhân và tổ chức trong mạng lưới tiêu dùng bền vững sẽ tạo ra sức mạnh tập thể để thúc đẩy sự thay đổi. Các sáng kiến như đổi rác lấy cây xanh hoặc phát triển ứng dụng kết nối người tiêu dùng với sản phẩm địa phương là một ví dụ.

Thứ ba là sáng tạo trong sản phẩm. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển những sản phẩm mang tính đột phá, như đồ gia dụng tiết kiệm năng lượng hoặc thời trang làm từ nguyên liệu tái chế. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn khuyến khích người tiêu dùng thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn.

Thứ tư là sự dẫn dắt từ lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tiên phong trong việc áp dụng các chính sách bền vững và cam kết rõ ràng về ESG, giúp tạo động lực mạnh mẽ cho toàn tổ chức và xây dựng uy tín với khách hàng. Theo McKinsey, doanh nghiệp áp dụng tốt ESG có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận dài hạn lên đến 20%.

Thứ năm là khuyến khích hành động thực tế. Doanh nghiệp có thể triển khai các sáng kiến như giảm giá cho sản phẩm tái chế, tổ chức các chiến dịch bảo vệ môi trường, hoặc cung cấp dịch vụ tái sử dụng sản phẩm. Những cách tiếp cận này sẽ giúp người tiêu dùng cảm thấy mình là một phần của giải pháp bền vững.

“Khi các thương hiệu dẫn dắt đúng hướng, Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn khẳng định vị thế của mình trên bản đồ bền vững thế giới,” bà Trần Tuệ Tri, nhấn mạnh.

Trường Đặng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved