Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức được ký kết. Đây là bước quan trọng để Hiệp định này được ký kết thực thi, có triển vọng trở thành động lực thúc đẩy cho xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường Vương quốc Anh còn dư địa rất lớn với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, hiện tại hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Việc ký kết UKVFTA giữa Việt Nam – Vương quốc Anh sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tích cực ở EVFTA.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Do đó, những lợi ích này cũng sẽ nhìn thấy được từ thị trường Anh thông qua Hiệp định UKVFTA.
Năm 2019, Anh nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam mặt hàng may mặc. Tuy nhiên. Hiện tại, xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam sang Anh mới chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu vào thị trường Anh. Do đó ngành này vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch.
Với mặt hàng giày dép, Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh. Năm 2019, Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế quan cao thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh với mức thuế trung bình 6,7 %, nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam sẽ sớm cải thiện được vị thế này với Hiệp định UKVFTA.
Thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 6,7% trong con số đó. Với Hiệp định UKVFTA, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như có triển vọng thu hút đầu tư.
Trong UKVFTA, gạo xuất xứ từ Việt Nam cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh gạo, Anh cũng cam kết bổ sung về lượng TRQ đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi… Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi Vương quốc Anh là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi). UKVFTA cũng sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, đây cũng là cơ hội để nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường lớn của Anh.
Hiện tại, với biến động khó lường của đại dịch COVID-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị Internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh cũng có xu hướng gia tăng. Do đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Anh vẫn sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ ngay trong biến động kinh tế toàn cầu vì đại dịch.
Quốc Cường