Xác định lợi thế

Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp tại khu vực huyện Hòa Vang. Đây là khu vực lưu trữ hệ thiên nhiên phong phú cùng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Từ đó mang nhiều tiềm năng hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa – lịch sử, cộng đồng tạo nhiều nhấn cho điểm đến.

Ngoài ra, việc phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp cũng được nhiều đơn vị chú ý tới. Tuy nhiên các hoạt động ban đầu vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

dulichcongdong-2

Phía Tây Đà Nẵng có hiều tiềm năng hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa – lịch sử, cộng đồng,… 

Theo ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX rau sạch Túy Loan trong khoảng 2 năm trở lại đây đơn vị đã áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tham quan, trải nghiệm. Ông Dũng cho rằng việc phát triển du lịch nông nghiệp sẽ là hướng đi mới mẻ cho du lịch địa phương trong kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, độc lạ, để thu hút du khách tham quan.

“Tuy nhiên, sản phẩm du lịch còn hạn chế, việc làm du lịch vẫn còn mang tính tự phát, chưa đủ sức cạnh tranh với các mô hình du lịch lân cận. Hiện tại địa phương đang cần có lộ trình quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết với các điểm du lịch khác của thành phố để đưa khách đến trải nghiệm”, ông Dũng cho hay.

dulichcongdong-1

Tháng 3/2022 TP Đà Nẵng ban hành Đề án 487 nhằm phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp tại huyện Hòa Vang. 

Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travael & Event cho rằng các địa phương tại huyện Hòa Vang đặc biệt là 2 xã Hòa Bắc, Hòa Ninh đang có rất nhiều dư địa phát triển du lịch. Tuy nhiên, ông Tu nhìn nhận hiện tại địa phương vẫn chưa có sự đầu tư xứng tầm, chưa có điểm nhấn thu hút du khách.

“Phía dưới chân núi Bà Nà có rất nhiều lợi thế để tập trung làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như nông nghiệp và rừng. Ngoài ra, cần có hình thành cung đường du lịch để khách tham quan thoải mái lựa chọn các sản phẩm như du lịch lưu trú, du lịch trải nghiệm,…phù hợp với nhu cầu của bối cảnh”, ông Lê Thiên Tư chia sẻ.

Cởi mở chính sách

Theo ông Lê Thiên Tư, việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng đang được doanh nghiệp và các địa phương trên cả nước quan tâm và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho cộng đồng dân cư, cộng đồng sắc tộc địa phương. Đồng thời, đây là loại hình du lịch phát huy lợi thế về tài nguyên tự nhiên nhiên, sinh thái dự trên sự phát triển kinh tế xã hội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

“Vì vậy, chính sách của thành phố cần cởi mở hơn để doanh nghiệp có thêm cơ hội phát triển các giá trị của khu vực, đưa những sản phẩm xanh, thân thiện đến gần hơn với khách du lịch. Hiện tại, công ty đã gửi văn bản đến lãnh đạo thành phố để chấp thuận hình thành sản phẩm du lịch mới như trekking, nghỉ dưỡng… đưa khách vào rừng để trải nghiệm, tham quan đến khu phía Tây Đà Nẵng và đang trong giai đoạn chờ chấp thuận”, ông Tư thông tin.

Để phát triển hơn các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, tháng 3/2022 TP Đà Nẵng ban hành Đề án 487 nhằm phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp tại huyện Hòa Vang. Địa phương sẽ thí điểm tối đa không quá 15 mô hình thí điểm, mỗi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện không quá 1 mô hình.

Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) cho hay thời quan qua địa phương đã tích cực thông tin đến các hộ dân trên địa bàn để tận dụng Đề án. Được biết, xã Hòa Ninh có lượng lớn diện tích đất trồng bưởi da xanh (tiêu chuẩn OCOP 3 sao) cùng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình rau thủy canh, cây dược liệu tại Trung Nghĩa hay các mô hình trồng hoa.

“Địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để người dân đón đầu Đề án 487, thời gian tới sẽ củng cố hồ sơ để các hộ dân có thể tham gia thí điểm các mô hình mới, đặc sắc”, ông Thương thông tin.

Ngoài ra, UBND huyện Hòa Vang cũng xây dựng bộ tiêu chí xét chọn mục đích nhằm chọn ra những cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực tham gia Đề án. Địa phương này cũng sẽ chấn chỉnh các dự án hình thành trên đất nông nghiệp sai quy định.

Tuấn Vỹ