Giải cứu xe trong nước

Bộ Công Thương vừa đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng. Bởi thị trường ô tô đang suy giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các DN đều gặp khó khăn bất lợi.

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng giảm 50% thuế giá trị gia tăng và 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng với thị trường ô tô.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ. Một số nguồn tin cho hay nếu muốn giảm thuế phải thông qua Quốc hội, vì vậy thời gian chờ đợi sẽ kéo dài, trong khi đề nghị giảm lệ phí trước bạ có thể được chấp nhận ngay. Chính phủ đang lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan và có thể ban hành quyết định ngay trong tháng 4/2020.

Khách hàng mua xe tiết kiệm cả trăm triệu đồng nếu lệ phí trước bạ giảm

Hiện ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu hai mức thu lệ phí trước bạ (tùy từng địa phương) là 10% và 12% trên giá bán xe. Nếu được giảm 50% thì số tiền khách hàng nộp lệ phí trước bạ sẽ được giảm một khoản lớn. Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc không được hưởng.

Chẳng hạn, chiếc Toyota Fortuner bản lắp ráp trong nước giá bán 1,03 tỷ đồng, khách hàng sẽ phải nộp từ 103-120,6 triệu đồng lệ phí trước bạ, sẽ giảm được từ 51,5- 60,3 triệu đồng (tùy từng địa phương). Theo tính toán, với những mẫu xe bình dân sản xuất lắp ráp trong nước hiện nay, khách mua sẽ được giảm từ 15-80 triệu đồng tùy từng mẫu.

Xe sang sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu đề xuất này trở thành hiện thực. Trong các thương hiệu xe sang, chỉ Mercedes Benz Việt Nam có sản xuất lắp ráp trong nước. Giá xe thấp nhất là 1,39 tỷ đồng và cao lên tới 4,6 tỷ đồng. Nếu mua những mẫu xe này, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 70-270 triệu đồng tùy từng xe. Chẳng hạn, chiếc Mercedes S450 lắp ráp trong nước có giá bán 4,2 tỷ đồng, lệ phí trước bạ bình thường phải nộp từ 420-504 triệu đồng, nếu giảm một nửa sẽ còn 210-252 triệu đồng.

Nhiều khách hàng chia sẻ họ đang chờ đợi quyết định mới này được ban hành để mua xe. Nếu lệ phí trước bạ giảm, chắc chắn doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tăng.

Tuy nhiên, với xe thương mại lại không được hưởng lợi nhiều từ chính sách này. Chẳng hạn với xe tải, lệ phí trước bạ đang áp dụng là 2% giá bán xe. Vì vậy, một chiếc xe có giá bán 1 tỷ đồng, bình thường phải nộp lệ phí trước bạ 40 triệu đồng, nay giảm còn 20 triệu được cho là không đáng kể.

Trong khi đó, các DN sản xuất lắp ráp xe tải đối mặt với khó khăn từ hơn 2 năm qua do nhu cầu giảm mạnh, tăng trưởng âm liên tục. Nay trong bối cảnh dịch Covid-19, nhu cầu vận tải hàng hóa giảm khiến xe tải càng chịu cảnh tồn kho lớn, ế ẩm. Được giảm 50% lệ phí trước bạ với xe tải chưa phải là “liều thuốc” mạnh để kích cầu thị trường.

Giảm lệ phí trước bạ tạo lợi thế cho xe sản xuất lắp ráp trong nước

Chọn xe nội hay xe ngoại?

Giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của các DN ô tô trong nước do đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe. Tuy nhiên, nếu lệ phí trước bạ giảm 50% chỉ với xe sản xuất lắp ráp trong nước đương nhiên sẽ tạo ra lợi thế trước xe nhập khẩu nguyên chiếc. Đứng trước sức ép này, xe nhập khẩu có thể sẽ tiếp tục giảm giá để cạnh tranh.

Nguồn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia. Hai quốc gia này đã có gói hỗ trợ các DN sản xuất ô tô. Chính vì vậy, thời gian tới ô tô nhập khẩu về Việt Nam dự báo tiếp tục có điều kiện giảm giá cạnh tranh với xe trong nước.

Các DN ô tô trong nước vẫn lo lắng khi cho rằng mọi rào cản với xe nhập khẩu từ ASEAN đã được bãi bỏ. Indonesia và Thái Lan đều có sản lượng ô tô lớn và lợi thế cạnh tranh về giá. Trong lúc khó khăn, chỉ cần các quốc gia này “bật đèn xanh” thì ô tô đại hạ giá sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.

Một số DN tính toán rằng, tuy vẫn, phải chịu mức lệ phí trước bạ từ 10-12% giá bán, nhưng nếu các mẫu xe bình dân nhập khẩu cũng giảm thêm từ 15-60 triệu đồng sẽ đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Để giữ lợi thế thì xe sản xuất lắp ráp trong nước cũng cần giảm giá xuống nữa mới tạo khoảng cách rõ rệt.