Khả năng thời gian tới các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao đi cùng với những dự báo về suy giảm tăng trưởng trên toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam với chi phí lao động hợp lý cùng các nỗ lực trong hiệp định thương mại song phương, sẽ là sự lựa chọn phù hợp với các doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời điểm này và dài hạn.

Ba-Nguyen-Cam-Phng---CEO-SAIGONTEL-phat-bieu-ta.i-Dien-an-2

Bà Nguyễn Cẩm Phương – CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL).

Tại Diễn đàn gặp gỡ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam – Hàn Quốc “Baekdu Forum 2022” vừa diễn ra đã đánh giá về tình hình khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu và thảo luận các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp SMEs Hàn Quốc cùng mở rộng thương mại, phát triển chung tại Việt Nam trong tương lai.

Đối với thị trường Hàn Quốc, ngành công nghiệp ô tô, điện điện tử, bán dẫn, công nghiệp, hoá chất, luyện kim và các ngành khác được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần linh hoạt thay đổi mạnh mẽ nhằm chuẩn bị cho tương lai và cần đa dạng hoá nguồn cung, nơi sản xuất và thương mại trong tương lai.

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 34.000 dự án, tổng 2 vốn đăng ký đạt hơn 400 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu các quốc gia lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 về thương mại với tổng kim ngạch năm 2022 đạt khoảng 90 tỷ đôla Mỹ, là nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất năm 2022. Ngoài ra, hai bên cũng có nhiều hoạt động hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực: tài chính – ngân hàng, hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân…

Với kết quả đó, Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới, Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”. Theo WIPO, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Việt Nam về thể chế, phát triển thị trường, sáng tạo, tăng hơn 20 bậc, xếp vị trí 48/132 quốc gia…

Việt Nam sẽ là “cứ điểm quan trọng” trong chiến lược toàn cầu về sản xuất, nghiên cứu – phát triển các sản phẩn chủ lực ra thị trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của các doanh nghiệp khu vực và toàn cầu.

Thời gian tới, Việt Nam cần tập trung phát huy nội lực, chủ động hội nhập quốc tế hướng vào chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hội nhập sâu rộng, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển sang hợp tác với nguồn FDI có chất lượng cao và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng, phân phối của các doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, có tính lan tỏa nhanh vào nền kinh tế để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh… đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại và tinh tự chủ của nền kinh tế.

– CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL)